“Yêu” sớm- hiện tượng đáng lo ngại
Chị Nguyễn Thị Vân (quận Lê Chân) một lần vô tình xem điện thoại của con gái 14 tuổi, rất ngạc nhiên trước những dòng tin nhắn em gửi cho một cậu bạn cùng trường: “Ngủ ngon nhé, anh yêu.”. Chị bất ngờ vì con chị luôn đi học đầy đủ, hết giờ học có mặt ở nhà, không hiểu cháu lấy đâu ra thời gian để “yêu”. Hơn nữa, cháu vẫn còn đang trong độ tuổi hồn nhiên, vô tư.
Đây là nhầm tưởng của nhiều bậc phụ huynh khi chỉ bằng lòng với việc con mình đi về đúng giờ, sức học không giảm sút, mà không cần quan tâm gì thêm. Ngày nay, trẻ phát triển nhanh về thể chất, được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, cộng thêm sự liên lạc, kết nối bạn bè dễ dàng bằng điện thoại di động và internet, việc nảy sinh những tình cảm trước độ tuổi hoàn toàn có thể xảy ra dù trẻ luôn trong “vòng kiềm tỏa”. Một điều dễ nhận thấy là độ tuổi “biết yêu” của trẻ ngày càng giảm. Không ít cháu mới 11, 12 tuổi đã biết trao tay những bức thư tình.
Do chưa có độ chín chắn trong suy nghĩ, những ngộ nhận “tình yêu” của độ tuổi “trăng náu” thường dựa trên những cảm nhận trực quan và hay bị đốt cháy giai đoạn. Không có sự tìm hiểu, không cần biết đối tượng có tính cách thế nào, chỉ cần nhìn “bạn ấy dễ thương”, “bạn ấy ga-lăng”…. thế là đủ để hai cô cậu mặt mũi non choẹt bắt đầu “yêu” một vài lần tiếp xúc. Trần Hải Nam năm nay mới 15 tuổi nhưng đã sớm lăn lộn “tình trường”. Ban đầu, cậu để ý thấy cô bạn lớp bên xinh xắn nên hỏi bạn bè nick chat rồi làm quen. Sau vài lần gặp gỡ và hẹn hò tại căng-tin của trường trong giờ giải lao, hai em chính thức trở thành một cặp. Nam hay mua hoa hồng, sô-cô-la cho bạn gái vào những dịp đặc biệt. Ngày cuối tuần, cậu cũng dẫn bạn gái đi ăn, đi lượn phố như người lớn… Nam thôi học thêm nhưng vẫn xin tiền mẹ nói là để đi học nhưng dùng làm “tình phí” hằng tháng.
Bước khởi đầu cho những phút sa chân
Chị Vũ Thị Hoa (quận Hồng Bàng) vừa bế cháu vừa buồn buồn kể lại câu chuyện của cô con gái. Con chị mới học lớp 9 đã yêu mà chị không hay biết. Cháu chỉ cho chị biết khi chót mang bầu. Chuyện đã lỡ, dù cả hai cháu đang chuẩn bị thi vào THPT, chị vẫn phải để con bỏ học lấy chồng, dù biết tảo hôn là vi phạm pháp luật. Chị tâm sự: “Cháu lấy chồng rồi cũng không yên. Cả hai vợ chồng đều còn trẻ con, thiếu sự chín chắn cần thiết để xây dựng cuộc sống gia đình nên rất hay cãi vã.” Hiện con chị đã bỏ nhà chồng về nhà. Chưa tròn 18 tuổi mà phải một mình nuôi con.
Câu chuyện của nhà chị Hoa không phải là hiếm. Hiện tình trạng tảo hôn không chỉ xuất hiện ở những vùng còn lạc hậu, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà có ngay tại những thành phố lớn. Đó là kết quả sự ngộ nhận về tình yêu của những em còn non nớt trong suy nghĩ. Trường hợp con chị Hoa còn may mắn vì nhận được sự bao bọc của gia đình. Nhiều em không dám kể với cha mẹ, tự giải quyết bằng cách nạo phá thai tại những phòng khám tư nhân không bảo đảm. Có trường hợp, chuyện yêu đương trở thành bước đầu dẫn đến sự xuống dốc sau này của các em. Từ học kém đến bỏ học, tình cảm khác giới bỡ ngỡ và bất định theo kiểu theo kiểu trẻ con khiến các em chán nản và rất dễ sa ngã.
Độ tuổi của học sinh bậc THCS rất nhạy cảm và có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Các em rất cần sự quan tâm và hướng dẫn từ phía gia đình và nhà trường để tránh khỏi những bước đi lầm lỡ.
Huyền Thanh