Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc

(PLO) - Đó là báo cáo của Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 diễn ra hôm qua (7/8). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chủ trì.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều nhiệm kỳ chưa khắc phục được

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thời gian vừa qua, Đoàn giám sát, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đã dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện đúng tiến độ, chất lượng theo kế hoạch giám sát đề ra.

 Qua Báo cáo của Chính phủ và quá trình giám sát tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy trong giai đoạn 2011- 2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt được những kết quả lớn như: hoàn thiện một bước cơ bản thể chế, luật pháp; nỗ lực trong việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn cơ cấu, tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương; tăng cường quản lý, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, qua giám sát còn nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; có những hạn chế đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa khắc phục triệt để, như tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, việc phân cấp, phân quyền thực hiện chưa thực sự hiệu quả.

Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng

Báo cáo của Đoàn giám sát tại phiên họp cho thấy, từ năm 2011 đến năm 2016, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được rà soát để phân định rõ thẩm quyền của từng cơ quan, khắc phục những vấn đề còn chồng chéo, giao thoa hoặc bỏ trống. Từ năm 2007 đến nay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được sắp xếp theo hướng thu gọn đầu mối, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cũng từng bước được sắp xếp giảm dần đầu mối, bước đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, Đoàn giám sát đánh giá tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng tuy gọn đầu mối các bộ nhưng nhiều cán bộ trong bộ, tổng cục nhiều hơn; cục nhiều hơn có nghĩa là các địa phương và nhân dân vẫn bị phiền hà.  “Có nghĩa là chúng ta giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng lên rất nhiều, không kiểm soát được. Phải có biện pháp hạn chế, thậm chí tôi nghĩ ở mức tối thiểu, các vụ chỉ tham mưu là tốt hơn cả”, ông Lê Mạnh Hà đề nghị.

Cũng qua giám sát, Đoàn giám sát đánh giá vẫn còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu; việc thực hiện quy định về quản lý tinh giản biên chế ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, chưa đi vào thực chất và không đúng mục tiêu đề ra. Số lượng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương tăng nhanh. Tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định tại các bộ, ngành, địa phương diễn ra khá phổ biến. Tính đến 30/11/2016, tổng số lao động hợp đồng lên tới gần 145.000 người.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Đoàn giám sát đề nghị cần tập trung rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Chính phủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương; thực hiện nguyên tắc một cơ quan làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính; tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Đọc thêm