Tổ chức công đoàn với đời sống của công nhân, lao động

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, năm 2010, cùng với việc tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp và CNVC-LĐ, LĐLĐ huyện Nam Trực đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn thực hiện quy chế dân chủ thông qua việc tổ chức đại hội CNVC; hội nghị CBCC và hội nghị người lao động.
Liên đoàn Lao động huyện Nam Trực trao tặng nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên công đoàn Phạm Thị Bình, có hoàn cảnh khó khăn ở xã Nam Thắng.
Ảnh: Dương Đức

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, năm 2010, cùng với việc tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp và CNVC-LĐ, LĐLĐ huyện Nam Trực đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn thực hiện quy chế dân chủ thông qua việc tổ chức đại hội CNVC; hội nghị CBCC và hội nghị người lao động. Hoạt động này đã tạo điều kiện để CNVC-LĐ đóng góp ý kiến, đồng thời giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của CNVC-LĐ, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong các cơ quan, đơn vị. Năm 2010, LĐLĐ huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 50 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH tại các cơ quan, đơn vị và 15 doanh nghiệp về công tác an toàn VSLĐ-PCCN. Trong năm 2010, trên địa bàn huyện không có đơn vị nợ đọng BHXH. Việc chi trả tiền lương và các chế độ chính sách có liên quan được các doanh nghiệp chấp hành tốt. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động đến việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) cách xử lý tình huống tai nạn lao động.  Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức diễn tập ứng phó với các tình huống tai nạn lao động xảy ra, cấp thẻ BHLĐ cho người lao động; xây dựng góc bảo hộ lao động với đầy đủ nội quy, quy trình vận hành máy móc, trang bị tủ thuốc và phương tiện cấp cứu tại khu vực sản xuất; cấp phát trang bị bảo hộ cá nhân cho người lao động.

Bám sát tình hình thực tế của cơ sở, địa phương và của ngành, các công đoàn cơ sở đã phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thực hành tiết kiệm”, “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn VSLĐ-PCCN” trong các cơ quan, đơn vị... Toàn huyện có gần 600 đề tài nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, tiết kiệm hàng tỷ đồng và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn huyện là 1 triệu 750 nghìn đồng/tháng. Tại Cty cổ phần gạch ngói Nam Ninh nhờ tích cực phát động phong trào thi đua CNVC-LĐ đã tập trung nghiên cứu, và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Tiêu biểu là sáng kiến kéo dài vùng nung đốt của 2 nhà máy gạch Tuynel Nam Thắng và Trực Chính đã nâng công suất lò từ 15 lên 22 triệu viên/năm; sáng kiến dùng than qua lửa trộn trong gạch mộc thay cho than cám đã tiết kiệm cho Cty trên 700 triệu đồng mỗi năm… Doanh thu năm 2010 của Cty ước đạt trên 40 tỷ đồng, thu nhập bình quân của CNVC-LĐ đạt trên 2,5 triệu đồng/tháng. Các chế độ chính sách cho người lao động như BHXH, BHYT, công tác an toàn VSLĐ-PCCN được bảo đảm. Cty còn đề ra quy chế trả lương khoán theo sản phẩm, kèm theo tiền thưởng chuyên cần; hỗ trợ 100% tiền ăn ca và tạo điều kiện cho người lao động tham gia các phong trào do công đoàn phát động. Cty có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội như xây nhà tình nghĩa cho người nghèo ở các xã Nam Thắng, Nghĩa An (Nam Trực); ủng hộ quỹ từ thiện các cấp. BCH Công đoàn Cty TNHH khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh thường xuyên tham mưu với ban giám đốc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo luật định và tạo điều kiện cho công nhân cơ điện, công nhân thủy nông đi học thi nâng bậc; thường xuyên quan tâm khám sức khoẻ định kỳ và thăm hỏi tặng quà, động viên các gia đình đoàn viên công đoàn khi gặp khó khăn… Từ nguồn quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, LĐLĐ huyện cho 44 CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn vay 214 triệu đồng để làm thêm nghề phụ, tăng thêm thu nhập. Các CĐCS còn phát động phong trào đóng góp ủng hộ quỹ “Mái ấm công đoàn”. Toàn huyện đã quyên góp được trên 110 triệu đồng và đã hỗ trợ xây mới 9 nhà, sửa chữa, nâng cấp 2 nhà ở cho CNVC-LĐ nghèo giúp họ ổn định cuộc sống; tổ chức thăm hỏi động viên, trợ cấp đột xuất cho các gia đình CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền  trên 20 triệu đồng.

Với việc đẩy mạnh các hoạt động chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, LĐLĐ huyện Nam Trực đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào CNVC-LĐ. Năm 2010, LĐLĐ huyện Nam Trực có 82% CĐCS vững mạnh, không có CĐCS yếu kém./.

Nguyễn Tú

Đọc thêm