Quy định này đang tác động đến một lượng không nhỏ khách hàng đang có tài khoản thanh toán tại ngân hàng như: hộ gia đình, tổ hợp tác, DN tư nhân, văn phòng luật sư (LS)…
Xung quanh nội dung này, bà Hoàng Tuyết Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Xin bà cho biết, vì sao Thông tư 32 của NHNN lại quy định như vậy?
- Thông tư 32 được ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và theo quy định tại Điều 1 BLDS 2015, có hiệu lực từ 01/01/2017, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, Thông tư 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của BLDS 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự. Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại BLDS 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, không đủ điều kiện là chủ thể độc lập tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà bản chất là quan hệ hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Như vậy, có thể nói việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại BLDS 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong BLDS 2015. Quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của BLDS 2015.
Vậy thưa bà, với các tổ chức không có tư cách pháp nhân như: hộ gia đình, tổ hợp tác, DN tư nhân, văn phòng LS,… đã mở tài khoản thanh toán trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành sẽ được xử lý như thế nào?
- Việc tồn tại của các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế và để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này.
Theo quy định hiện hành, văn phòng LS không có tư cách pháp nhân, do đó không thuộc đối tượng mở tài khoản thanh toán và sẽ phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản cá nhân theo quy định tại Thông tư 32. Việc này được phản ánh là làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục thuế của các văn phòng LS, bà có ý kiến gì đối với những phản ánh này?
- Đối với văn phòng LS, theo quy định tại Điều 33 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì văn phòng LS do một LS thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình DN tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng LS là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Theo quy định tại Luật DN và BLDS 2015, DN tư nhân không có tư cách pháp nhân. Như vậy, do không có tư cách pháp nhân, văn phòng LS không đủ tư cách chủ thể độc lập để mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Thông tư 32 và do vậy, tài khoản thanh toán của văn phòng LS thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản của cá nhân.
Về chính sách thuế đối với DN tư nhân, vừa qua, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn và ngày 25/4/2017, Bộ Tài chính đã có Công văn 5396/BTC-TCT hướng dẫn cụ thể cho phép khấu trừ chi phí vay vốn của cá nhân chủ DN tư nhân khi tính thuế thu nhập DN của DN tư nhân.
Về những phản ánh của khách hàng và dư luận, NHNN tiếp tục theo dõi, ghi nhận và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng nói chung và Thông tư 32 nói riêng.
Xin cảm ơn bà!