Thuật ngữ bụi mịn, hay bụi PM2,5 là tên dùng để chỉ những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống. 1 micron (micromet) bằng 1/1000mm. Như vậy, bụi PM2,5 sẽ có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người. Vì quá nhỏ bé nên bụi mịn phát tán dày trong không khí sẽ dễ dàng tấn công sức khỏe con người.
Trong báo cáo vừa được công bố ngày 27/9 của WHO chỉ ra rằng, bụi PM2,5 chứa nhiều chất độc hại như sulfate, bụi than đen và có thể thâm nhập sâu vào phổi và trong hệ thống tim mạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Một mét khối không khí chứa nhiều hơn 10 microgram PM2,5 được cho là không đạt tiêu chuẩn của WHO.
Sau khi thống kê hơn 3.000 địa điểm khác nhau trên toàn cầu, WHO nhận định, khoảng 92% dân số thế giới đang sống trong những nơi có chất lượng không khí không đạt chuẩn của WHO. Mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao tại khu vực Đông Nam Á và phía Tây Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo, các thành phố lớn ở Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, có nồng độ bụi mịn (PM 2,5) lên tới 90-105 microgam và ở mức nguy hiểm.
Theo ông Hoàng Dương Tùng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường), có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Quan ngại sâu sắc trước tình trạng ô nhiễm không khí, Giám đốc phụ trách sức khỏe và môi trường công thuộc WHO – bà Maria Neira kêu gọi chính phủ và người dân các nước cần nhanh chóng có các giải pháp như xây dựng hệ thống giao thông mang tính bền vững hơn, quản lý rác thải rắn, sử dụng năng lượng sạch trong các hộ gia đình cũng như giảm khí thải công nghiệp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm.
Riêng ở Việt Nam, để hạn chế bụi mịn cũng như kiểm soát chất lượng không khí, đã có nhiều kế hoạch, biện pháp được đề xuất và thực thi. Về phía cơ quan quản lý môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, với tiêu chí xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; đề ra nhiệm vụ giai đoạn 2016-2017; tăng cường năng lực hệ thống quan trắc của ngành để kiểm soát được khí thải của các ngành sản xuất, các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất... là những nguồn xả thải gây ô nhiễm quy mô lớn. Đồng thời, kiểm kê khí thải ở Hà Nội, nơi có tỷ lệ xe máy, ô tô nhiều, dân cư đông đúc.
Về lâu dài, ngành Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 sẽ kiểm soát chặt các nguồn khí thải, tập trung vào khí thải công nghiệp, năng lượng và giao thông; bảo đảm 80-90% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và khí thải nguy hại như SO2, NOx, CO... đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trước mắt, để hạn chế phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần phải kiểm soát chặt việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng, mở rộng vệ sinh các tuyến đường phố, các xe chở vật liệu xây dựng phải được che kín, lốp xe phải được rửa sạch trước khi ra đường. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân có ý thức bảo vệ môi trường…