Đến năm 2013, viện cớ là con trai trưởng có trách nhiệm thờ cúng cha mẹ nên người anh hai tuyên bố “kế thừa di sản của cha mẹ để lại”, vì vậy trong gia đình đã xảy ra chuyện tranh chấp, chia chác.
Sau khi hòa giải ở xã không thành, chúng tôi làm đơn khởi kiện “tranh chấp di sản thừa kế” đến Tòa thì được hướng dẫn sửa lại đơn thành chia tài sản chung, vì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế đã hết. Sau khi sửa lại đơn theo hướng dẫn và nộp các giấy tờ cần thiết, Tòa án đã ra Thông báo thụ lý vụ việc của chúng tôi, nhưng sau đó lại đình chỉ vụ án vì chưa đủ điều kiện.
Theo tôi được biết, thời hiệu khởi kiện tranh chấp chia di sản thừa kế hiện nay là 30 năm, kể từ thời điểm người để lại di sản chết nhưng không biết có được áp dụng đối với chúng tôi hay không khi đã có quyết định đình chỉ của Tòa án?
Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ: “Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung”.
Căn cứ vào quy định nêu trên, anh em của anh có quyền khởi kiện lại vụ án chia di sản thừa kế là căn nhà và mảnh đất mà cha mẹ anh đã để lại.