Tọa đàm Quản lý thị trường sữa và vấn nạn 'truyền thông bẩn'

(PLVN) - Sáng nay, 9/11, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn”.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

"Truyền thông bẩn" trên mạng xã hội

Theo báo cáo xu hướng và tăng trưởng thị trường sản phẩm sữa toàn cầu, quy mô thị trường sữa dự kiến sẽ tăng từ 613,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 840 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 6.47% trong giai đoạn dự báo.

Ở Việt Nam, thị trường sữa phát triển mạnh mẽ với khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa.

Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...

Sự đa dạng sản phẩm sữa và doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh.

Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng "truyền thông bẩn” trên mạng xã hội để "tấn công đối thủ" nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…

Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các hình ảnh “bác sĩ”, các "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Đã có hiện tượng một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có các bài viết “chê” sữa trái cây, khuyên dùng sữa H., trong đó có sử dụng cụm từ “sữa thật” và có trích dẫn nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).

Tại Tọa đàm, TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã lợi dụng hiện tượng trên để tạo sóng truyền thông với các từ khóa “sữa giả” nhằm hạ bệ uy tín của các nhãn hàng, khiến dư luận hoài nghi sản phẩm kém chất lượng.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, luật pháp Việt Nam không cấm bác sĩ, dược sĩ tư vấn dinh dưỡng hay y khoa. Song, phải phân biệt hành vi tư vấn đúng và không đúng sự thật.

Ví dụ, khi tư vấn cho người tiêu dùng, các bác sĩ, dược sĩ phải hiểu được bản chất của sản phẩm: Sản phẩm đã được cấp phép chưa? Thành phần chuẩn không? Các nội dung quảng cáo, giới thiệu đã được cơ quan chức năng xét duyệt hay chưa?...

“Chúng ta phải truyền thông đúng mức và chính xác. Đặc biệt không được truyền thông sai sự thật”, bà Lâm nhấn mạnh.

Cần lập lại trật tự quảng cáo

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng những hành vi truyền thông sai sự thật cần được lên án và xử lý để lập lại trật tự quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Việc Chính phủ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất tiện cho doanh nghiệp, vì vậy theo ông Trung, việc hậu kiểm càng phải tăng cường hơn, để bảo vệ lợi ích chính đáng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính; tạo ra môi trường tiêu dùng lành mạnh cho người tiêu dùng.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hiện nay có 4 luật gồm Luật quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật an toàn thực phẩm có liên quan trực tiếp đến cái hoạt động quảng cáo về sữa. Nếu trong trường hợp xuất hiện dày đặc những nội dung có tính chất cạnh tranh không lành mạnh theo hướng so sánh trực tiếp hoặc là đưa ra những thông tin thất thiệt, sai sự thật đối với đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng vi phạm Luật Quảng cáo và vi phạm Luật Cạnh tranh.

Với những hành vi vi phạm, chủ thể bị xâm phạm có quyền gửi đơn đến cơ quan chức năng để có thể là xem xét, điều tra, xác minh, xử lý, đồng thời cũng phải khởi kiện ra tòa án.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để xác định đó có phải là một chiến dịch “truyền thông bẩn” hay không, cơ quan chức năng phải vào cuộc và xác định phân loại tất cả các cái hành vi thực hiện các hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng. Hiện nay, theo Điều 217 của Bộ luật Hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại.

Chế tài đã có nhưng công tác quản lý gặp nhiều khó khăn

Theo luật sư Đặng Văn Cường, chế tài và pháp luật đều đã đủ, nhưng hiện tượng vi phạm vẫn còn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt trên không gian mạng, việc quản lý gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

“Các đối tượng thực hiện hành vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị có chức năng phát hiện. Trong khi việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, hay phương tiện kỹ thuật... Những người quản lý các trang mạng đó được tự do đăng tải khi chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý thì là sự việc đã bị lan truyền rộng rãi”, Luật sư Cường nói.

Theo Luật sư, dưới các luật là Nghị định 100 liên quan đến kinh doanh sản phẩm sữa cho trẻ em và Nghị định 15 về đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó Nghị định 100 đã ban hành cách đây 10 năm, hiện đã có nhiều công ty đa quốc gia và những công ty hoạt động trên nền tảng số đang quảng cáo, bán hàng tại Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh một số hành vi vi phạm trong các văn bản này có thể chưa tới hoặc chưa rõ ràng, dẫn đến khó xử lý khi có cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên quốc gia.

“Cần có nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, tổng kết quá trình thực hiện để từ đó có thể kiến nghị sửa đổi sớm Nghị định 100 và Nghị định số 15. Bên cạnh đó, đến lúc phải tiếp cận những thông tin, những vướng mắc, bất cập cũng như những mâu thuẫn chồng chéo đối với các văn bản khác để khi sửa đổi nghị định”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho rằng, việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, điều này không phải riêng Bộ Công Thương mà các bộ ngành khác đều gặp phải, ngay cả Bộ Y tế cũng vậy.

“Khi phát hiện quảng cáo vi phạm chúng tôi phải gửi ngay thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xác minh chủ website, chủ đường link đó hay với Bộ Công Thương là quảng cáo trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải gửi ngay thông tin cho các sàn đó. Những đơn vị cấp phép để mở những website, quản lý sàn giao dịch này, họ đều nắm được ai là chủ của website, sàn giao dịch đó để yêu cầu gỡ bỏ.

Nhưng thực tế, điều này vô cùng khó khăn, vì nếu là website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài, chúng ta rất khó tìm đơn vị chính chủ. Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại chối, không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không phải họ làm quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ 3 đứng ở giữa, họ tự mua về bán. Điều này cũng có một vài trường hợp Bộ Công an đã bắt giữ và xác minh việc đó” – TS Trần Việt Nga dẫn chứng.

Cũng theo TS Trần Việt Nga, Luật Quảng cáo đã đưa ra những hành vi cấm không được quảng cáo; Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vấn đề văn hóa và quảng cáo. Đơn cử, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38 cũng quy định mức xử phạt dành cho cá nhân lên đến 60-80 triệu đồng với hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm, còn với tổ chức thì xử phạt sẽ nhân đôi, tức là từ 120-160 triệu và phải tháo gỡ những đường link vi phạm đó.

Pháp luật có đầy đủ quy định, tuy nhiên như tôi đã nói với sự phát triển không gian mạng như hiện nay, thì việc kiểm soát của cơ quan quản lý vẫn vô cùng khó khăn.

Cần sửa đổi các nghị định quản lý sữa

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Ngoài những văn bản luật như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hay Luật An toàn thực phẩm thì chúng ta thực hiện trực tiếp nhiều văn bản dưới luật, trong đó có nghị định. Trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng về sữa cho trẻ em có hai văn bản: Nghị định 100/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP năm 2018. Nghị định 100/2014/NĐ-CP ban hành từ năm 2014 đến nay gần 10 năm, trong khi đó có rất nhiều sự thay đổi của xã hội.

Đặc biệt hiện nay, các công ty xuyên quốc gia và những công ty hoạt động trên các nền tảng số đang thực hiện các hoạt động quảng cáo cũng như bán hàng vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với những hành vi vi phạm thì phạm vi điều chỉnh của các văn bản này có thể chưa tới hoặc chưa rõ ràng, dẫn đến khi phát hiện những vụ việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên quốc gia thì việc xử lý thì sẽ gặp khó khăn.

Ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Qua theo dõi những vụ việc liên quan đến cạnh tranh cũng như liên quan đến các hoạt động quảng cáo, Luật sư Cường cho rằng với Nghị định 100 và Nghị định số 15, chúng ta cần có nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, tổng kết quá trình thực hiện để từ đó có thể kiến nghị sửa đổi sớm. Bên cạnh đó, đến lúc phải tiếp cận những thông tin, những vướng mắc, bất cập cũng như những mâu thuẫn chồng chéo đối với các văn bản khác để khi sửa đổi nghị định.

Ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, thời gian tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước khác để xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành sữa cần xây dựng chính sách tuân thủ quy định pháp luật đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật liên quan khác.

Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, vui lòng phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đối với cơ quan truyền thông, cần kiểm tra, rà soát lại nội dung khi đưa tin về sản phẩm, dịch vụ. Xem xét kỹ xem thông tin về sản phẩm đã được kiểm duyệt, kiểm chứng hay chưa tránh tiếp tay cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đọc thêm