Tòa "tùy hứng" tuyên tội đồng phạm?

Thừa nhận rằng mỗi vụ án là một hoàn cảnh cụ thể, khác biệt và mỗi bị cáo phạm tội cũng trong hoàn cảnh cá biệt, lại có những tình tiết về nhân thân không giống nhau. Nhưng nhìn nhận trong một tương quan tổng thể giữa các đồng phạm trong cùng một vụ án và trong các vụ án có tính chất tương tự nhau thì sẽ được xem xét trách nhiệm hình sự với mức án tương đương nhau chứ “vênh” đến độ kẻ “vào kho”, người chỉ bị xử phạt hành chính rõ ràng là cách áp dụng pháp luật đang “có vấn đề”...

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong một số vụ án giết người có nội dung và tính chất có nhiều nét tương đồng, các bị cáo tham gia việc phạm tội với tính chất và mức độ tương tự nhau nhưng ở vụ án này Tòa xác định là có đồng phạm, ở vụ án kia bị cáo lại được “lọt”, chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính…

Đưa túyp sắt, nhận 6 năm tù
Khoảng 19h30 ngày 4/4/2011, bị cáo Nguyễn Ngọc Vàng cùng nhóm bạn khoảng 5 người trong đó có anh Nguyễn Hoàng Cầu tổ chức uống rượu tại một quán cà phê tại ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Quá trình ăn nhậu, giữa Vàng và Cầu xảy ra cãi vã, nhưng do mọi người can ngăn nên về nhà nấy.
Sau đó, Vàng về nhà, đứng ở ngoài cửa gọi điện vào trong nhà nói với em trai là Nguyễn Ngọc Tấn khi đó đang trên giường ngủ: “Tao đang đánh lộn ngoài đây, mày mang cho tao 2 túyp sắt!”. Nhận “lệnh” của anh, Tấn bò dậy, đi xuống sau nhà lấy 2 típ sắt dài khoảng 1m ném qua cửa sổ cho Vàng rồi vào ngủ tiếp. Vàng chụp một cây rồi đi ra hẻm đón Cầu để đánh nhau tiếp. Vừa lúc đó, Cầu mang mã tấu đến đánh Vàng. 
Vừa gặp mặt Vàng, Cầu nhảy xuống xe cầm mã tấu xông đến nhằm đầu Vàng xả một nhát. Thấy cú chém quá hiểm, Vàng đưa tay phải lên đỡ và bị chém trúng tay. Tuy bị thương nhưng Vàng vẫn kịp dùng tay trái nện một típ sắt vào tay của Cầu khiến cây mã tấu rơi xuống đất. Cầu bỏ chạy nhưng vẫn bị Vàng đuổi theo. Không còn vũ khí, Cầu nhặt 1 khúc gỗ quay lại đánh nhưng bị Vàng dùng túyp sắt đập hai cái trúng đầu khiến Cầu bất tỉnh.
Về phần Tấn, sau khi ném típ sắt ra ngoài cho anh, Tấn vào định ngủ tiếp thì chợt giật mình nhớ ra Vàng bảo: “Tao đang đánh nhau” nên vùng dậy cầm ống túyp mục đích đi “yểm trợ” anh trai. Trên đường đi, Tấn được bạn bè khuyên quay về đừng đi đánh nhau. Nghe lời khuyên, Tấn quay về thì gặp Cầu đang nằm gục gần chỗ Vàng đứng. Thấy anh mình đưa típ lên định đánh tiếp, Tấn hốt hoảng xông vào giật típ sắt không cho Vàng đánh Cầu nữa. Sau đó, Tấn cùng mọi người gọi taxi  đưa bị hại đi cấp cứu nhưng Cầu đã tử vong. Ngay sau khi gây án, Vàng đến Công an xã Tân An đầu thú và bị bắt khẩn cấp; còn Tấn bị tạm giam vào ngày 17/3/2012.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Vàng 14 năm tù, Nguyễn Ngọc Tấn cũng bị tuyên 4 năm tù cùng về tội “Giết người”. Do VKSND kháng nghị tăng hình phạt nên bị cáo Tấn bị cấp phúc thẩm xử tăng lên mức án 6 năm tù về tội “Giết người”. Hai cấp tòa nhận định rằng, tuy bị cáo Tấn không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm bởi Tấn biết rõ Vàng cần hung khí để đi đánh người nhưng vẫn tiếp tay đưa hung khí để Vàng tước đoạt sinh mạng của nạn nhân.
Giúp sức tích cực thì chỉ bị phạt hành chính
Một vụ án cũng vừa được TAND TP Hồ Chí Minh xét xử trong tháng 9/2012, nhưng việc Tòa xác định đồng phạm lại có sự khác nhau. Khoảng 17h ngày 6/8/2011, xuất phát từ mâu thuẫn qua đường, cho rằng nhóm đá banh đường phố của anh Trung- An dám chửi mình nên bị cáo Huỳnh Tấn Thiện đã rủ nhóm bạn gồm Trần Quốc Bảo, Phạm Văn Định, Minh và Thái Bảo đi tìm nhóm của anh Trung - An để trả thù.
Trước khi đi nghênh chiến, Định vào nhà lấy 1 cây xăm gạo bằng inox nhọn đầu đưa cho Thiện làm hung khí. Sau đó Định lấy xe gắn máy chở Thái Bảo và Minh, còn Quốc Bảo chở Thiện đi trả thù. Đến nơi, Định cầm một miếng gạch đầu nhọn bất ngờ đâm thật mạnh vào cổ anh Trung khiến anh Trung vùng bỏ chạy và kêu cứu. Thiện cầm cây xăm gạo đuổi theo nhưng không đánh được ai liền quay lại dùng gạch đập nát một xe máy của đội đá bóng. 
Lúc này, anh An cũng bỏ chạy nhưng không may đúng hướng Minh và Thái Bảo đang đứng. Minh dùng chân đạp anh An ngã ra đường, An vùng dậy bỏ chạy thì bị Thiện đuổi theo dùng cây xăm gạo đâm một nhát vào bả vai. Minh cũng đuổi theo đánh mấy cái vào đầu anh An, đến khi thấy người này chảy nhiều máu, nhóm của Thiện mới buông tha. Vụ truy sát kinh hoàng khiến anh Trung thiệt mạng, còn anh An may mắn thoát chết. 
Mới đây, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án này đã tuyên phạt bị cáo Định mức án 15 năm tù; Thiện 14 năm tù và Quốc Bảo 8 năm tù cùng về tội “Giết người”.
Trong vụ án này có 2 đối tượng Thái Bảo và Minh cùng tham gia vụ ẩu đả nhưng không bị xem xét trách nhiệm hình sự, chỉ bị xử phạt hành chính. Lý do được HĐXX phân tích: Thái Bảo không tham gia đánh người, chỉ đứng từ xa nhìn; còn Minh có tham gia đánh anh An nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng; vào thời điểm hai người này phạm tội, Thái Bảo chưa đủ 16 tuổi, còn Minh đã trên 16 tuổi nhưng còn đang đi học nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự vì là trẻ vị thành niên phạm tội nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng(!?) 
Làm sao để khách quan, công bằng?
Pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể về chế định đồng phạm trong vụ án hình sự, tuy nhiên trong quá trình thực thi, áp dụng vẫn có sự “vênh” nhau. Chẳng hạn như trong hai vụ án nêu trên, cùng có hành vi tham gia vào việc phạm tội với tính chất tương tự nhau, nhưng một kẻ phải lãnh án 6 năm tù chỉ vì trót đưa cây gậy cho anh đi đánh nhau; còn kẻ khác thậm chí còn trực tiếp đánh nạn nhân, hành vi được coi như làm “bước đệm” để đồng bọn xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác lại chỉ bị xử phạt hành chính là không khách quan, công bằng. 
Luật gia Trần Thu Hương (Hội Luật gia Hà Nội) cho rằng, nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là mọi hành vi phạm tội phải được xử lý công bằng, đúng pháp luật. Trong vụ án giết người ở TP HCM đã nêu, nếu chỉ vin vào lý do hai bị cáo chưa đủ tuổi thành niên để không truy cứu trách nhiệm của họ là không đúng căn cứ, nghiêm trọng hơn là “bỏ lọt” tội phạm và áp dụng sai pháp luật. 
Thừa nhận rằng mỗi vụ án là một hoàn cảnh cụ thể, khác biệt và mỗi bị cáo phạm tội cũng trong hoàn cảnh cá biệt, lại có những tình tiết về nhân thân không giống nhau. Nhưng nhìn nhận trong một tương quan tổng thể giữa các đồng phạm trong cùng một vụ án và trong các vụ án có tính chất tương tự nhau thì sẽ được xem xét trách nhiệm hình sự với mức án tương đương nhau chứ “vênh” đến độ kẻ “vào kho”, người chỉ bị xử phạt hành chính rõ ràng là cách áp dụng pháp luật đang “có vấn đề”, không thể chấp nhận được - Luật gia Hương nhấn mạnh. 
Thành Nam 

Đọc thêm