Ngày 2/1/2013, sự kiện chính trị pháp lý quan trọng đầu tiên của năm 2013 và cũng là sự kiện chính trị pháp lý rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị là việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính thức được triển khai.
|
Ảnh minh họa |
Hiến pháp (HP) 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội IV của Đảng (1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện HP 1992, đất nước đã đạt được những thành to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đến nay, đất nước đã có có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp nên Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ I đã quyết định sửa đổi HP 1992 để “bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.
Chia sẻ kinh nghiệm lập hiến của Mỹ tại Hội thảo do Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ quốc hội) và Khoa Luật (Đại học Chicago, Mỹ) tổ chức tháng 12/2012 ở Hà Nội, GS.Thomas Ginsburg (Khoa Luật – Đại học Chicago, Mỹ) cho rằng, “để 1 bản HP “thọ lâu”, có khả năng thích nghi với sự thay đổi xung quanh, tạo môi trường quản trị nhà nước ổn định thì một trong những yêu cầu là HP phải “mang tính đại diện” nghĩa là “lôi kéo, tăng cường được sự tham gia của người dân” vào quá trình lập hiến, sửa đổi, bổ sung HP, cũng như sự quản trị nhà nước và đóng góp vào tiến trình dân chủ”.
Lấy ý kiến nhân dân vào việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung HP cũng đang là xu hướng chung trên thế giới. GS.Thomas Ginsburg cho biết, lấy ý kiến nhân dân có thể được thực hiện qua việc trưng cầu dân ý về nội dung HP, làm cơ sở để các chuyên gia dự thảo rồi lại đưa dự thảo ra lấy ý kiến nhân dân trước khi được ban hành. Như vậy, người dân sẽ được tham gia vào nội dung và việc ban hành HP như một “kênh” để thực hiện quyền làm chủ và bảo vệ quyền con người.
Ở Việt Nam, Ủy ban dự thảo sửa đổi HP năm 1992 chủ trì, phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi HP 1992 đến 31/3 theo Nghị quyết 38/2012/QH13. Dự thảo lần 1 về sửa đổi HP 1992 đã được trình để QH khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và đã được tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý trước khi công bố rộng rãi để lấy ý kiến tất cả các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở lấy ý kiến của nhân dân và các đại biểu QH, Ủy ban dự thảo sửa đổi HP 1992 sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu nghiêm túc và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi HP 1992 trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) và tiếp tục hoàn thiện trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013) theo đúng kế hoạch, tạo động lực mới cho Việt Nam trong quá trình phát triển mới.
PGS.TS.Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - Phó trưởng Ban thường trực Ban Biên tập về sửa đổi HP 1992): Huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân Ông có thể cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được thực hiện như thế nào để toàn dân có thể tham gia? - Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi HP 1992, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành HP. Vì thế, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là phải tổ chức thảo luận, lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, rộng rãi, dân chủ, thiết thực, tiết kiệm và đảm bảo tiến độ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của hệ thống phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể là các ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được những cư quan, tổ chức nào tiếp nhận và xử lý? - Dự thảo sửa đổi HP sẽ được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của QH (htttp://duthaoonline.quochoi.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhân dân sẽ đóng góp ý kiến thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp chuyên đề, góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, các cơ quan của Ủy ban thường vụ QH, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, các Ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, các HĐND cấp tỉnh, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn đại biểu quốc hội, các đại biểu quốc hội. Nghị quyết của QH cũng giao các cơ quan thông tấn báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi HP 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân. Trân trọng cảm ơn ông! P.V |
Huy Anh