Toàn ngành vào cuộc để chuyển đổi số lĩnh vực thuế

(PLO) - Phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho rằng, nếu ai đó nghĩ chuyển đổi số là việc của cán bộ công nghệ thông tin (CNTT) thì họ đã sai lầm. “Sẽ không thể chuyển đổi số nếu không có sự giúp sức của cán bộ nghiệp vụ!’, đại diện Tổng cục này khẳng định.
Ảnh minh họa

Với chủ đề  “Chuyển đổi số ngành Tài chính”, tại Vietnam Finance 2018, ngành Thuế đã giới thiệu lộ trình chuyển đổi số ngành Thuế và một số công nghệ, giải pháp góp phần vào công tác chuyển đổi số như mô hình quản lý thuế (QLT) và giám sát việc thu thuế nhà nước trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ứng dụng 4.0 trong công tác triển khai hóa đơn điện tử, công nghệ chatbot trong công tác hỗ trợ người nộp thuế...

Phải thay đổi nhận thức

Phát biểu tại sự kiện này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, đến thời điểm hiện tại số DN phải QLT đã cao gấp rưỡi so với cách đây 5 năm, với gần 700.000 DN và 52 triệu cá nhân nộp thuế. Trong thời gian tới số lượng DN có thể tăng lên 1 triệu và số lượng mã số thuế cá nhân cũng sẽ tiệm cận dần với 100 triệu dân cư. Theo tính toán, mỗi năm ngành Thuế có sự tăng trưởng về dữ liệu lên tới 30% so với toàn bộ dữ liệu trước đó cộng lại.

Với lượng thông tin phải thu thập quản lý rất lớn, trong khi yêu cầu về tổ chức bộ máy, biên chế theo định hướng chung ngành Thuế ngày càng cắt giảm về số đơn vị, số Chi cục Thuế và cắt giảm biên chế về con người, nếu ngành Thuế vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp quản lý và cách thức hoạt động như truyền thống thì không thể đảm bảo. Vì vậy ngành Thuế phải áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ khối chuỗi…

“Trong những năm gần đây chúng tôi đã triển khai được rất nhiều công việc liên quan đến hiện đại hóa, triển khai cung cấp dịch vụ thuế điện tử. Đó chính là bước đầu tiên, là cơ sở rất tốt để ngành Thuế hướng tới chuyển đổi số và từng bước tiếp cận được câu chuyện lớn hơn, hoành tráng hơn là 4.0…”, ông Trí chia sẻ.

Tuy nhiên, để thực hiện được chuyển đổi số, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, còn rất nhiều việc phải làm, mà đầu tiên là phải thay đổi nhận thức từ người lãnh đạo đến cán bộ, công chức, từ cán bộ nghiệp vụ đến cán bộ làm CNTT. “Nếu ai đó nghĩ rằng chuyển đổi số là việc của cán bộ CNTT thì họ đã sai lầm, sẽ không thể chuyển đổi số nếu không có sự giúp sức của cán bộ nghiệp vụ”- ông Nguyễn Đại Trí phát biểu, đồng thời khẳng định để áp dụng được công nghệ mới còn cần thay đổi cách thức tổ chức làm việc và quy trình nghiệp vụ.

Đã sẵn sàng!

Theo ông Phạm Quang Toàn – Cục trưởng Cục CNTT, Tổng cục Thuế, cơ hội của ngành Thuế khi triển khai CMCN 4.0 đầu tiên là phục vụ hoạch định chính sách. “Hiện nay khi thực hiện điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chính sách đều rất khó xác định được tác động tăng thu hay giảm thu. Nhưng khi tập hợp được thông tin đầy đủ thì ngành Thuế có thể đặt ra các bài toán giả lập để xem xét dự đoán chính xác hơn các tác động. CMCN 4.0 còn giúp ngành Thuế trong công tác quản lý và phân tích dữ liệu, bởi thông tin về người nộp thuế hiện được quản lý khá chặt chẽ, nhưng nếu có dữ liệu lớn thì có thể quản lý chặt chẽ hơn nữa…” - ông Toàn chia sẻ.

Bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành Thuế như yêu cầu chính sách, quy trình nghiệp vụ cần phải phù hợp với CNTT; khi quy định nghiệp vụ thay đổi thì CNTT phải có nguồn lực, có thời gian để triển khai. Ngành Thuế cũng xác định vai trò quan trọng của dữ liệu lớn (Big Data), nên khi triển khai 4.0 thì phải đưa các giải pháp số hóa tất cả dữ liệu trao đổi giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc trong nội bộ cơ quan thuế để xóa bỏ giấy tờ, giúp các giao dịch trở nên nhanh chóng thuận lợi.

Đánh giá về hiện trạng CNTT của ngành Thuế nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ông Toàn cho biết, hiện ngành Thuế là một trong những đơn vị đầu tư rất tốt hạ tầng CNTT bao gồm trung tâm dữ liệu tập trung, ứng dụng tích hợp, hệ thống core, an toàn bảo mật, công cụ, quy trình để vận hành giám sát quản trị hệ thống đảm bảo hệ thống vận hành liên tục ổn định… Ngành Thuế cũng đang triển khai rất tốt những nội dung về khai nộp thuế điện tử, kết nối với các bộ, ngành như chủ động kết nối với Bộ KH&ĐT để cấp mã số đồng nhất, kết nối Sở TN&MT, bộ phận một cửa để tiếp nhận điện tử hồ sơ đất đai giúp nộp thuế nhanh, triển khai trước bạ ô tô xe máy…

Với những điều kiện hiện có, cùng với đội ngũ người làm CNTT trẻ có chuyên môn và nhiệt tình, ngành Thuế định hướng đến năm 2030 sẽ hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử theo định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính; phát triển năng lực QLT đối với DN 4.0; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đo lường, đánh giá mức độ hài lòng của người dân; đào tạo cán bộ thuế nâng cao năng lực ứng dụng CNTT vào công tác QLT trong thời kỳ CMCN 4.0…

Đọc thêm