Tang vật dùng để làm ATM giả bị thu giữ |
Chiều 18/9, Công an quận 1, TP.HCM vừa bắt hai đối tượng gồm Wong Siew Wah và Cheng Pui Sing (cùng sinh năm 1995, quốc tịch Malaisia) sử dụng thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Cả hai nhập cảnh vào Việt Nam và thuê phòng khách sạn trên đường Đồng Khởi (phường Bến Nghé, quận 1), sau đó đến quầy rượu trong khách sạn Park Hyatt ở đường Công Trường Lam Sơn (phường Bến Nghé) sử dụng thẻ tín dụng giả bằng hình thức cà thẻ mua một chai rượu ngoại hiệu Louis 13 với giá hơn 100 triệu đồng đem về khách sạn cất giấu.
Thấy việc lừa đảo suôn sẻ, cả hai tiếp tục đến khách sạn Sheraton ở số 80 Đồng Khởi (phường Bến Nghé) vẫn dùng thẻ tín dụng giả hôm trước để mua rượu Louis 13 nhưng không thành công, nhân viên bán rượu phát hiện hai đối tượng có dấu hiệu khả nghi nên báo cho công an. Tang vật gồm 31 thẻ tín dụng các loại cùng 1 chai rượu Louis 13 tại phòng khách sạn hai đối tượng này thuê.
Thua bạc, mang thẻ ATM giả rút tiền trả nợ
Ngày 17/9, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt hai bị cáo cùng quốc tịch Nga là Surkov Dmitry (SN 1976) 30 tháng tù và Debenko Igor Miroslavovich (SN 1978) 24 tháng tù, cùng về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Cả hai đã sử dụng thẻ giả từ Nga vào Việt Nam rút tiền tại các máy ATM của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.
Theo cáo trạng, hai bị cáo này thua bạc và nợ tiền ở casino ngoại thành Maxcova (Nga) nên quản lý sòng bạc hướng dẫn Surkov mang thẻ ATM giả sang Việt Nam rút tiền về trả nợ. Rút được nhiều hơn số tiền đã nợ sẽ được hưởng hoa hồng 10% trên tổng số tiền rút được. Trong hai ngày nhập cảnh vào Việt Nam (ngày 15 và 16/10/2013), với 38 chiếc thẻ giả, cả hai đã rút trót lọt tổng cộng trên 132 triệu đồng.
“Chôm” tiền xuyên quốc gia
Một trong những vụ điển hình là giữa năm 2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội triệt phá, bắt giữ hàng loạt những đối tượng người Trung Quốc khi đang “hành nghề”.
Trưa 23/6, PC50 phối hợp với Cục C50 Bộ Công an bắt quả tang đối tượng Wang Hai Cheng (Vương Hải Thành, SN 1986, quốc tịch Trung Quốc) đang sử dụng 11 thẻ thanh toán điện tử Visa Master giả để mua điện thoại Iphone 5S tại một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên phố Hàng Bài.
Kiểm tra nơi Wang Hai Cheng đang thuê tại một khách sạn trên đường Giải Phóng, công an thu giữ 2 máy tính xách tay, 2 máy quét từ ghi thông tin thẻ tín dụng, USB và thẻ nhớ ghi các dữ liệu thông tin thẻ tín dụng trộm cắp.
Tại cơ quan công an, Wang Hai Cheng khai nhận quen với một số đối tượng người Trung Quốc và được cung cấp thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được đồng thời hướng dẫn cách làm thẻ giả để đến các nước Đông Nam Á rút tiền chiếm đoạt. Theo thỏa thuận, Wang Hai Cheng sẽ được các đối tượng chia cho 35% số tiền chiếm đoạt được.
Trước khi dùng thẻ giả rút tiền, Wang phải thông báo cho các đối tượng biết và sau khi rút được tiền, phải chuyển hóa đơn rút tiền cho chúng nhằm quản lí việc ăn chia. Đầu tháng 6/2014, Wang Hai Cheng mang theo “đồ nghề” làm giả thẻ tín dụng đi du lịch đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào… để thực hiện kế hoạch và bị phát hiện tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 18/6, Đội 4, PC50 phối hợp công an phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội) cũng đã bắt quả tang Feng Hai Qiang (SN 1989, quốc tịch Trung Quốc) sử dụng 14 thẻ tín dụng giả rút tiền tại cây ATM của các ngân hàng Việt Nam, chiếm đoạt 6,5 triệu đồng.
Đáng chú ý, các thẻ tín dụng giả này bên ngoài là thẻ của ngân hàng Trung Quốc nhưng thông tin thẻ đều là tài khoản của các ngân hàng Việt Nam. Cơ quan công an cũng thu giữ nhiều thiết bị Feng Hai Qiang mang theo sang Việt Nam để làm thẻ ATM giả như máy dập mã số thẻ, máy phủ từ, phủ nhũ, phủ bạc lên thẻ ATM.
Một đối tượng người Trung Quốc bị công an bắt giữ |
Nhiều người cho rằng, tội phạm công nghệ cao là siêu tội phạm, bởi phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng hoàn toàn mới mẻ. Tiến sĩ nhận định như thế nào về điều này?
- Tội phạm lợi dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản ở nước ta những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Tính chất, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này cũng hết sức đa dạng, tinh vi. Thiệt hại về tài sản của các nạn nhân là rất lớn, có vụ số nạn nhân lên tới hàng ngàn người ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Có ý kiến cho rằng, các đối tượng gây án là “siêu tội phạm” cũng chưa hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, tội phạm lợi dụng công nghệ cao gây án nhằm chiếm đoạt tài sản đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm nay. Điều mà nhiều người cho rằng “độ siêu” của các đối tượng này là khả năng làm giả các thẻ tín dụng, kỹ năng đánh cắp thông tin và trình độ về tin học cao. Và, với Việt Nam thì đây cũng là một trong những loại tội phạm mới, tội phạm “phi truyền thống” nên phương thức, thủ đoạn là rất mới mẻ. Ở các nước mà công nghệ thông tin phát triển thì loại tội phạm này không còn là điều xa lạ. Tội phạm ở mỗi lĩnh vực khác nhau thì đều có độ “quái” khác nhau. Nhận diện được tính chất, phương thức, thủ đoạn của từng loại tội phạm để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao là vấn đề đặt ra cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng và với chính mỗi người dân.
Khi công nghệ thông tin phát triển, tất yếu sẽ dẫn đến một thực tế là tội phạm sẽ lợi dụng nó để hoạt động. Ngày nay, công nghệ thông tin ở nước ta có những phát triển nhanh chóng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thường sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình như dùng thẻ thanh toán, visa, master card, thanh toán qua ngân hàng…. Đây cũng chính là môi trường để tội phạm nghiên cứu, tìm mọi cách để lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi nhất. Vì vậy, số vụ phạm tội bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chiếm đoạt tài sản tăng nhanh cũng là điều dễ hiểu và đã được nhận biết từ trước.
Phải chăng do trình độ kỹ thuật công nghệ thông tin của nước ta vẫn còn non kém nên Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn số 1 của loại tội phạm này? Theo Tiến sĩ, đây có phải là loại tội phạm thời thượng hay không?
- Không phải trình độ về công nghệ thông tin ở nước ta kém mà sự hiểu biết cũng như sự cảnh giác với loại tội phạm này ở nước ta chưa thật sự cao. Cũng không phải Việt Nam là sự lựa chọn số 1, hay là địa bàn lý tưởng cho loại tội phạm này hoạt động. Như trên đã đề cập, loại tội phạm này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và đặc biệt hoạt động mạnh ở các nước có mức độ phát triển về công nghệ kỹ thuật số cao. Tại Kỳ họp lần thứ 80, Đại hội đồng Interpol được tổ chức tại Việt Nam, Tổng thư ký của tổ chức này cho biết, mỗi tuần tội phạm lợi dụng công nghệ cao gây thiệt hại cho các nạn nhân lên đến hơn 2 tỷ đô la. Đây cũng không phải là loại tội phạm “thời thượng”. Mục đích duy nhất và cao nhất của các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để phạm tội là nhằm chiếm đoạt được tài sản càng nhiều càng tốt. Vì vậy, chúng luôn tìm ra các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội cũng như che giấu tội phạm, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Khi môi trường xã hội thay đổi thì hoạt động của tội phạm cũng sẽ có sự thay đổi.
Một bộ phận dư luận đang có tâm lý lo lắng về vấn đề an toàn tài chính từ các ngân hàng. Quan điểm của Tiến sĩ về hiện tượng này và theo ông, cần phải làm thế nào để hạn chế những sự việc trên?
- Trước tình trạng tội phạm lợi dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản cũng đã khiến không ít người băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, hiện vấn đề cũng chưa đến mức làm cho mọi người hoang mang. Bởi lẽ, ở nước ta số người sử dụng tài khoản và thanh toán qua các tổ chức ngân hàng còn rất thấp. Chúng ta vẫn nằm trong số quốc gia chủ yếu sử dụng tiền mặt trong giao dịch nên việc chiếm đoạt tiền có tại ngân hàng cũng không mang tính phổ biến. Mặt khác, các ngân hàng và các cơ quan chức năng đã rất chú trọng trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, điều cần cảnh báo, đó là khi việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán ngày càng thu hẹp thì số vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền có trong tài khoản và trong các giao dịch khác ngày càng nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Để hạn chế tình trạng này đòi hỏi các tổ chức tài chính, ngân hàng cần phải nghiên cứu xây dựng các giải pháp bịt kín các sơ hở để tội phạm lợi dụng gây án. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra được những “lá chắn” ngăn chặn tội phạm xâm nhập trái phép vào các tài khoản cá nhân, các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là mỗi người dân cần nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, nhất là kiến thức về bảo mật bằng các biện pháp kỹ thuật; đồng thời phải có ý thức cảnh giác “tự phòng, tự quản” để bảo vệ chính mình. Các cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác; nhanh chóng phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kịp thời, nghiêm minh để góp phần phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung.