Nhà kinh tế học Jacques Bichot vừa công bố một nghiên cứu về những thiệt hại do tội ác và hoạt động phạm pháp gây ra cho xã hội. Riêng tội phạm có tổ chức có thể gây thiệt hại tới 23 tỷ euro cho nước Pháp.
|
Ảnh minh họa. |
Hơn 150 tỷ euro, tức chiếm 7,5% GDP! Cái giá phải trả hàng năm như vậy vì nạn tội phạm ở Pháp quả là “chát”! Chỉ riêng các hoạt động phạm pháp, vốn hình thành từ các vụ bạo lực về thể xác và tình dục, cướp bóc, phá hoại, gian lận và cả những chi phí an ninh tư nhân, chiếm tới khoảng 80 tỷ euro. Như vậy, tội phạm có tổ chức có thể gây thiệt hại cao nhất: hơn 23 tỷ euro, cho các hoạt động môi giới mại dâm, làm hàng giả buôn lậu các loại.
Đó còn chưa kể tới những gian lận tài chính và gian lận khác trong xã hội, vi phạm giao thông và chi phí cho chính sách an ninh, hoạt động của cảnh sát, ngân sách tư pháp – mà có thể gần như gấp đôi số tiền này.
Nhà kinh tế học Jacques Bichot, giáo sư danh dự tại Đại học Lyon 3, khi tham gia vào công việc tính toán này không phải là một kẻ ngông. Công trình nghiên cứu của ông đã khiến nhiều nạn nhân của bọn tội phạm quan tâm.
Trong nghiên cứu mới nhất về “thiệt hại do tội ác và tình trạng phạm pháp gây ra”, nhà khoa học này cho biết ông đã đưa ra con số ước tính ở mức tối thiểu. Và ông cũng thừa nhận: “Số thiệt hại mà bọn tội phạm gây ra không dễ dàng để tính toán, vì trong đa số các trường hợp thiệt hại không trực tiếp là tiền”, nhà nghiên cứu viết.
Thực tế, làm thế nào để tính toán được hậu quả tài chính của một vụ giết người, một vụ bắt cóc hay cảm giác bất an thường được gợi ra trước thềm các cuộc tham vấn về bầu cử?
Các nhà bảo hiểm, các chuyên gia an toàn đường bộ và cả các quan chức bệnh viện đều “thường xuyên phải đối mặt với câu hỏi” về vấn đề chi phí, nhà nghiên cứu nói rõ, mà thiệt hại có thể về thể xác hoặc tinh thần.
Ở một số nước, các mô hình kinh tế đã được hoàn thiện. Bộ Nội vụ Anh hay Bộ Tư pháp Canada mỗi năm đều đưa ra đánh giá về vấn đề này “theo tỷ lệ gần sát với những đánh giá của giáo sư Bichot”, chuyên gia Xavier Bébin thuộc Viện Công lý cho biết. Nhưng tại Pháp, công chúng có vẻ hơi thận trọng.
Lỗ hổng về dữ liệu
Theo cách tính của nhà kinh tế học Bichot và những người ủng hộ ông, trước tiên có những yếu tố vật chất, chẳng hạn như một vụ ăn cắp. “Chúng tôi chắc chắn phải quan tâm tới giá thay thế vật đã bị đánh cắp, nhưng như thế cũng chưa đủ”, ông Jacques Bichot nói. Bởi vì theo cách tính của ông, ngoài “thiệt hại có thể là do tội phạm gây ra”, “nỗi lo sợ mà hắn có thể gây ra”, “giá trị tinh thần của thứ bị đánh cắp”, “thời gian”, “chi phí cho thay thế thứ đã mất”, còn có “chi phí hoạt động bảo hiểm, mà được bổ sung vào tiền bảo hiểm thuần túy để bồi thường cho nạn nhân”.
Ông Bichot cũng tính cả những “chi phí đảm bảo an ninh (như cánh cửa bọc thép, khóa cải tiến, hệ thống cảnh báo, v.v…) và “một phần thuế phục vụ cho hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ phòng chống các vụ cướp bóc”. Tổng số là 9,2 tỷ.
1.263.255 euro mỗi cái chết
Và cái giá của cuộc sống con người thì sao? Theo nhà nghiên cứu Bichot, có ít nhất một sự đối chiếu: những căn cứ tài chính thu được để bồi thường cho các nạn nhân. Các cơ quan chính thức tính toán được thiệt hại với mỗi một cái chết là 1.263.255 euro, một người bị thương phải nằm viện là 136.474 euro và 5578 euro cho một người bị thương nhẹ, trong đó gồm những chi phí y tế, hành chính và “thiệt hại từ khả năng sản xuất”.
Theo giải thích của ông Xavier Bébin, mục đích của cuộc nghiên cứu trên là để đánh giá những thiệt hại do tội phạm gây ra nhằm “làm rõ chính sách hình sự và quyết định của nhà nước” trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, theo nhiều cuộc nghiên cứu thống kê, 30.000 chỗ bổ sung trong nhà tù đã cho phép giảm 15% số tội phạm. Khi đầu tư cho Nhà nước có thể là “một tỷ euro mỗi năm”, ông Bébin nói, “lợi ích cho cộng đồng có thể là 11 tỷ euro”.
Quang Minh (theo Nouvelobs)