Tối ưu hoá các nguồn lực cho phát triển du lịch Ninh Bình

(PLVN) -  Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khi chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về những nỗ lực của Ninh Bình để triển khai phát triển ngành du lịch với chủ trương trở thành một trung tâm du lịch quốc gia với những sản phẩm đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, như kỳ vọng đã đề ra.  
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về những dấu ấn trong thời gian qua đã khẳng định cho một thương hiệu du lịch về tỉnh Ninh Bình? 

Ông Tống Quang Thìn: Những năm qua, du lịch Ninh Bình bước đầu đã có những phát triển rõ rệt, tạo được dấu ấn khá rõ nét. Trên cơ sở phát huy những giá trị, tiềm năng vốn có cũng như xây dựng một chiến lược phát triển đúng hướng, du lịch Ninh Bình đang từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ninh Bình có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng. Do đó, có nhiều sản phẩm du lịch mang đậm “thương hiệu”, tạo sự khác biệt của Ninh Bình, như: Cố đô Hoa Lư gắn với sự nghiệp của ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, xây dựng nền móng phát triển văn hóa Đại Việt; Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi nhận là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Cồn Nổi, Kim Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn quốc gia Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam được công nhận năm 1962; khu Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm; nước khoáng Kênh Gà, Cúc Phương; vùng văn hóa sử Việt tại xã Gia Thủy... 

Không những thế, nhiều sản phẩm du lịch, loại hình du lịch mới được hình thành, như: khám phá hang Múa, thăm quan vườn chim Thung Nham, tuyến du lịch Thạch Bích - Thung Nắng, động Thiên Hà, chùa Bái Đính về đêm...

 

Công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết và hợp tác du lịch được tăng cường và ưu tiên trọng điểm. Cách thức quảng bá, xúc tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt Ninh Bình được biết đến rộng rãi với phim trường chính của bộ phim “Kong: Skull Island”, “Phát súng của kẻ điên” và một số bộ phim trong nước khác... 

Bên cạnh đó, các tạp chí chuyên ngành về du lịch trên thế giới đã có những đánh giá tích cực về điểm đến Ninh Bình, như: chuyên trang du lịch “This is insider” của Mỹ bình chọn Ninh Bình đứng đầu trong 50 địa điểm hấp dẫn phải đến trong năm 2018. Tờ Telegraph nước Anh bầu chọn Ninh Bình là một trong 15 địa điểm tuyệt đẹp nhưng chưa được nhiều người biết tới trên thế giới. Năm 2020, chuyên trang du lịch Tripsto Discover của Mỹ đã đánh giá Ninh Bình là một trong 14 điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á cần được khám phá.

Năm 2021, Ninh Bình là địa phương được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, tỉnh kỳ vọng sẽ có những bước đột phá về thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu điểm đến và thu hút khách. Sự kiện này cũng là cơ hội để tỉnh Ninh Bình tạo dấu ấn giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Ninh Bình.

PV: Những kết quả này đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình, thưa ông?

Ông Tống Quang Thìn: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự tham gia có trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc theo hướng bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Năm 2001, doanh thu từ du lịch đạt 18 tỷ đồng, đến năm 2019, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng và năm 2020, dù bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu du lịch cũng đạt trên 1.600 tỷ đồng. Mặc dù nguồn thu từ du lịch còn khiêm tốn nhưng tác động xã hội của du lịch tới cộng đồng địa phương là rất lớn.

Du lịch phát triển đã góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Theo thống kê đến 31/12/2020, toàn tỉnh có hơn 21.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 6.500 người. Bên cạnh đó, du lịch phát triển đã góp phần tích cực thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển như nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…

Du lịch đã góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người Cố đô Hoa Lư, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ cùng phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như uy tín và vị thế của tỉnh Ninh Bình trong nước và quốc tế.

Có thể nói, du lịch phát triển đã góp phần cải thiện diện mạo đô thị, nông thôn; cảnh quan tự nhiên được bảo vệ, bảo tồn, chăm sóc, cơ sở hạ tầng được đầu tư, chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân tại các khu du lịch được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, khu vực chùa Bái Đính...

Hoạt động du lịch phát triển làm gia tăng khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hoá và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển; khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài.

Chùa Bái Đính.
Chùa Bái Đính. 

Thông qua du lịch, các ngành kinh tế - xã hội khác cũng phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ cho các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao với hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Trong những năm qua, nhờ phát triển du lịch, các ngành thương mại, nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông, xây dựng, viễn thông… đã có thêm động lực phát triển, góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế - xã hội.

Không những thế, hoạt động du lịch đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống, truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.

PV: Ông có thể chia sẻ về những mong muốn, kỳ vọng cũng như sự chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình đối với ngành du lịch Ninh Bình trong năm 2021 này?

Ông Tống Quang Thìn: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, trong đó xác định phát triển du lịch là một trong 3 khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2021 – 2025. Chủ trương của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch quốc gia với những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đến năm 2025, Ninh Bình phấn đấu đón từ 8-9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt, khách lưu trú 1,8 triệu lượt, doanh thu từ 8.000 tỷ đồng trở lên. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 khoảng từ 5-6%, đưa tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của quốc gia.

Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch phải ngày càng phát triển, loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, hình thành các khu du lịch quốc gia, mang tầm cỡ quốc tế. Phát triển ngành du lịch Ninh Bình sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá, hình ảnh đất nước con người Ninh Bình.

Để thực hiện được các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, ngành du lịch Ninh Bình phải có những giải pháp cụ thể để đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành, liên kết vùng, hợp tác công - tư và chuyển đổi số trong phát triển du lịch; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong phát triểndu lịch. 

Đồng thời cần có những đề xuất với các cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật cho đồng bộ, chặt chẽ. Trong những năm tới, ngoài loại hình du lịch truyền thống, Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu du lịch và doanh thu từ du lịch, như dự án Kênh Gà - Vân Trình, công viên văn hóa Tràng An, tổ hợp du lịch, dịch vụ sân golf hồ Yên Thắng, khu du lịch cồn nổi Kim Sơn, Đam Khê Trong... để thu hút nhiều hơn khách lưu trú tại Ninh Bình

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết với nhiều ngành, lĩnh vực khác; vấn đề của ngành du lịch cũng là vấn đề chung của nhiều ngành khác. Do vậy, ngành du lịch cũng phải có các giải pháp liên kết chặt chẽ với các ngành liên quan để tối tối ưu hóa nguồn lực, ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2015-2020 đạt 5,96%/năm, riêng khách quốc tế đạt 11,4%/năm, doanh thu du lịch tăng 27,2%/năm. Năm 2019, Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế; năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Ninh Bình vẫn đạt 2,8 triệu lượt.

Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã tập trung đầu tư, nâng cấp và cải thiện về cả chất và lượng, năm 2020, toàn tỉnh có trên 689 cơ sở lưu trú du lịch với 8.510 phòng, trong đó có 60 khách sạn được xếp hạng từ 1-4 sao. 

Đọc thêm