Tới “Vương quốc đàn bà“

Mawlynnong không chỉ được biết đến là một trong những ngôi làng sạch nhất châu Á mà còn là nơi quyền lực thuộc về những người phụ nữ mảnh mai, xinh đẹp.
Trẻ con trong làng phải làm việc sớm. Chúng chơi với nhau rất vui vẻ, ít cãi vã. Ảnh: Karolin Kluppel.
Nằm ở phía đông bắc Meghalaya, Ấn Độ và giáp với biên giới Bangladesh,  Mawlynnong là nơi sinh sống của bộ tộc Khasi. Khác với những vùng miền khác, Khasi duy trì chế độ mẫu hệ với những người phụ nữ nắm trọn quyền lực trong tay và con cái mang tên họ của mẹ, con gái út là người được hưởng thừa kế.
Dân số ở làng không nhiều, chỉ vào khoảng 500 và có khoảng 95 nóc nhà. Lần đầu tiếp xúc với những cô bé ở bộ tộc này, nhiếp ảnh gia người Đức sống ở Berlin Karolin Kluppel đã có một ấn tượng mạnh mẽ: đó chính là sự tự tin, niềm kiêu hãnh về giới tính của mình.
Trong sáu tháng sống cùng người dân để thực hiện bộ ảnh mang tên Mädchenland (Vương quốc của những cô gái), Karolin phát hiện ra dù có địa vị cao quý nhưng các cô bé phải làm việc từ rất sớm. "Ở tuổi còn rất trẻ, bọn trẻ con đã phải tiếp quản trách nhiệm của mẹ chúng. Chúng phải làm việc nhà, trông em khi chưa đầy 8 tuổi", Karolin tiết lộ về những hạn chế mà các cô bé ở Vương quốc nữ quyền phải chịu đựng.
Tuy nhiên nữ nhiếp ảnh gia cũng nhấn mạnh, dù phải làm việc sớm khiến tuổi thơ của các em sẽ bị thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa trên khắp thế giới, nhưng cô chưa bao giờ gặp những cô bé nào hạnh phúc và tự tin hơn thế. Các em nhận thức được trách nhiệm cũng như sự cao quý trong giới tính của mình tại Khasi ngay từ trong tiềm thức khi còn rất nhỏ. Và các cô bé đã thể hiện sự tự tin, niềm hạnh phúc và kiêu hãnh đó thông qua lời ăn tiếng nói, hành động và phong thái hàng ngày. Các cô bé cũng già dặn hơn tuổi nhưng cũng rất cá tính. Và các bé được nhận xét là được trải qua một tuổi thơ khá hạnh phúc.
Theo nhận xét của nữ nhiếp ảnh gia, các cô bé ở đây rất cá tính và tự tin. Ở các bé toát lên niềm kiêu hãnh về quyền lực của mình. Ảnh: Karolin Kluppel. 
Làng Mawlynnong không chỉ nổi tiếng khắp Ấn Độ mà còn trên toàn thế giới, bởi nó tồn tại trong một quốc gia mà từ lâu luôn coi trọng con trai hơn con gái và các bào thai là nữ thường có tỷ lệ phá bỏ rất cao. Đây cũng được coi là "thánh địa" an toàn cho các bé gái. Năm 2003, Mawlynnong nằm trong top những ngôi nhà sạch sẽ nhất châu Á.
Những cô bé ở Mawlynnong học tại trường làng cho đến 11-12 tuổi. Sau đó họ sẽ đến Shillong - thủ phủ của Meghalaya để tiếp tục học lên cao. Khi tốt nghiệp cấp 3, các bé gái sẽ được tự quyết định có muốn học lên đại học hay quay trở về làng. 5% số người trong làng biết chữ và hầu hết người dân có thể giao tiếp với khách du lịch bằng tiếng Anh. Ngôi làng sở hữu cảnh quan xinh đẹp và được ca ngợi là "vườn địa đàng của Chúa trời".
Theo một nghiên cứu đưa ra vào hồi đầu tháng 9 của tờ The Times có tới 69% cuộc hôn nhân ở Ấn Độ là theo kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Nhưng điều đó không tồn tại trong cuộc sống của những cô gái ở Mawlynnong.
Các cô bé ở Mawlynnong có một tuổi thơ yên bình, an toàn và khá hạnh phúc. Ảnh:Karolin Kluppel. 
Sáu tháng sống cùng người dân, nữ nhiếp ảnh gia cũng nhận ra rằng đàn ông trong làng phải làm việc 6 ngày trong tuần và chủ yếu là làm nông. Nhưng tỷ lệ sử dụng rượu và ma túy của họ rất cao. "Họ không có trách nhiệm với gia đình giống như đàn ông ở các nơi khác. Họ cũng phải chuyển đến sống với bố mẹ vợ sau khi kết hôn nên họ thường có mẫu thuẫn với gia đình mới của mình. Tuy vậy họ phải phụ thuộc vào vợ mình. Nếu họ bỏ vợ, họ sẽ chẳng có nơi nào để đi", Karolin cho biết.
Dù sống trong chế độ mẫu hệ, trẻ con trong làng cũng không va chạm với nhau nhiều. Các cô bé cũng không vì thế mà "bắt nạt" các bạn nam. Họ chơi với nhau vui vẻ và không quan tâm nhiều đến việc ai sẽ là người thừa kế các ngôi nhà của mình.

Đọc thêm