Tôm bơm thạch nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư

Ngoài việc vi phạm pháp luật, việc bơm thạch vào con tôm còn gây nhiễm trùng sản phẩm, tăng bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến sự hấp thụ cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ em có thể làm hình thành “thể chất mang tính axit”.
Ngoài việc vi phạm pháp luật, việc bơm thạch vào con tôm còn gây nhiễm trùng sản phẩm, tăng bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến sự hấp thụ cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ em có thể làm hình thành “thể chất mang tính axit”. Đây là nguyên nhân gây ung thư cao.

Trong lúc người dân đang hoang mang về vụ việc tôm bơm thạch rau câu được phát hiện và bắt giữ tại Nam Định thì nhiều chủ hàng buôn tôm cá tại các chợ đầu mối tại Hà Nội đều thừa nhận: Việc này không phải là hiếm hoi!

Tôm sú to, đắt tiền thường được bơm thạch

"NTD chỉ cần lật mang của con tôm lên là sẽ phát hiện ra ngay, bởi mang của con tôm bơm thạch rau câu sẽ căng phồng lên, nhìn con tôm rất “giả”. Còn mang bình thường của tôm bình thường sẽ rất mềm. Khi bơm thạch vào, con tôm sẽ có 2 lớp đó là lớp thịt và lớp rau câu, vì vậy, người ăn nên cẩn trọng bóc mang hoặc vỏ ra”, chuyên gia này nhấn mạnh
Rạng sáng ngày 26/08, có mặt ở chợ đầu mối thủy sản tại bãi đỗ xe Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), không khí buôn bán diễn ra tấp nập. Các mẻ tôm to, nhỏ được người bán đổ ra trên một tấm bạt rách, la liệt trên nền đất bẩn.

Khi khách hàng tỏ ra phân vân, lo lắng vì sợ tôm bị bơm thạch, người bán tôm Nguyễn Văn Thành vừa chỉ tay vào những chậu tôm đong đầy nước vừa trấn an: “Tôm chết họ mới bơm được thạch, nếu tôm còn sống thì không bơm vì như thế sẽ giết chết con tôm”.

Anh Thành cho biết: Tôm bơm thạch thông thường là tôm to, giá cao bởi như thế mới có hiệu quả kinh tế, chứ tôm bé, lợi nhuận thu về không bù được cho tiền công thuê người ngồi bơm. Anh Thành khẳng định, cơ sở của anh không buôn bán tôm to vì số lượng khách ăn ít. Phần lớn, chúng thường được dùng trong các bữa tiệc hoặc phục vụ cho các cỗ cưới.
Loại tôm được bơm thạch nhiều và phổ biến là tôm sú

Theo anh Thành, loại tôm được bơm thạch nhiều và phổ biến là tôm sú và “chợ nào cũng có". Đối với chợ Kim Ngưu, những ngày lễ, số người bán loại tôm sú này sẽ đông hơn. Còn ngày thường muốn mua, khách hàng phải đi từ sáng sớm hoặc đặt trước.

Tùy thuộc vào trọng lượng tôm mà giá sẽ đắt hơn tôm lột hoặc những loại tôm khác khoảng 70.000 – 150.000 đồng/kg. Loại tôm vừa phải (30 con/1 cân) có giá 200.000 đồng/kg, loại to hơn một chút (25 con/1 cân), giá 240.000 đồng/kg, loại trung bình nhất (40 con/1 cân), giá “mềm” hơn ở mức 170.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Đồng Xuân, tới tận 9h sáng, các chủ buôn tôm vẫn nhộn nhịp ra vào, cân tôm, bán tôm và thỏa thuận giá cả, kí kết mua bán với các chủ buôn nhỏ lẻ hơn.

Khi được hỏi về giá cả, chị Thường L., chuyên kinh doanh tôm – mực tươi tại Đồng Xuân Bắc ra giá: loại 30 con/1 cân giá 150.000 đồng, 25 con/1 cân thì 170.000 đồng, 20 con/1 cân là 190.000 đồng. Chị L. dặn dò: Nếu muốn mua tôm sú làm cỗ ngày cưới thì phải đặt trước 5 ngày để tránh trường hợp "cháy" hàng có thể xảy ra.

Phân biệt tôm thật và tôm bơm thạch không khó?

Theo chị Hiền, một chủ buôn tôm nhỏ tại chợ Hôm (Trần Xuân Soạn): Cách nhận biết tôm thạch cũng khá đơn giản. Chị nói: “Phải có vỏ cứng mới bơm được… Nó cứng đẫy, thẳng ra là tôm thạch, tôm mềm thì không phải”. Tuy nhiên, như chị Hiền nhận xét, không ít người tiêu dùng (NTD) vẫn không thể nào nhận biết được tôm bị bơm thạch trông như thế nào: “Phải người của đất hải sản may ra mới biết được”.
Tôm sú to, căng mọng, cứng đẫy vẫn được bày bán rộng rãi tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội.

Trao đổi với pv , một chuyên gia phụ trách kỹ thuật nuôi tôm tại Kiên Giang tiết lộ cách phân biệt tôm “thật” và tôm bơm thạch như sau: NTD chỉ cần kiểm tra trên đầu con tôm, cầm con tôm lên nếu thấy cứng thì nên lưu ý vì bình thường, con tôm sống khá mềm.

Theo chuyên gia này, hiện tượng bơm thạch này khá phổ biến ở ngoài các chợ đầu mối, chợ bán lẻ. “Tôm ở chợ mà tôm chết thì thường thường là có bơm vì mỗi một con tôm như thế tăng lên khoảng 20% trọng lượng thật của nó”.

Các chủ buôn gian dối có thể đánh lừa được NTD qua cái nhìn trực quan bên ngoài nhưng khi mang về nhà bóc tách thì “chiêu lừa” này sẽ bị “lật tẩy” ngay.

NTD chỉ cần lật mang của con tôm lên là sẽ phát hiện ra ngay, bởi mang của con tôm bơm thạch rau câu sẽ căng phùng lên, nhìn con tôm rất “giả”. Còn mang bình thường của tôm bình thường sẽ rất mềm. Khi bơm thạch vào, con tôm sẽ có 2 lớp đó là lớp thịt và lớp rau câu, vì vậy, người ăn nên cẩn trọng bóc mang hoặc vỏ ra”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Tôm bơm thạch nguy hiểm thế nào?

Khi hỏi về vấn đề bơm thạch vào tôm, ông Nguyễn Như Tiệp - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) - khẳng định: Ở Miền Bắc, việc đưa thạch rau câu vào tôm chưa phải phổ biến. Cho tới ngày 26/08, khi pv liên lạc với ông Tiệp, ông vẫn chưa nhận được báo cáo nào về vụ việc phát hiện tôm được bơm thạch từ phía các cơ quan chức năng TP.Nam Định.
Không chỉ những con tôm sú to, những loại tôm sú nhỏ (1 cân được khoảng 50 con) như thế này cũng có thể được bơm thạch để tăng trọng lượng

Trước đó, trao đổi với báo Nông nghiệp, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng: Việc bơm Agar (thạch rau câu) vào tôm là việc làm rất ngớ ngẩn. Nó chẳng khác nào đưa ký sinh trùng, vi sinh vật độc hại vào con tôm nên nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Tệ hại hơn, nó làm cho thịt con tôm bị dập nát, giảm chất lượng. Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Tiệp, cần nâng cao hơn mức phạt, không riêng gì chủ buôn bơm Agar vào tôm mà còn cả đối với cả DN chế biến mua tôm có Agar, người vận chuyển tôm có Agar cũng sẽ bị xử phạt.

BS. Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh, nhận định: Tuy rằng, hiện tại chưa chứng minh được độ độc hại của việc bơm thạch vào tôm ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dân nhưng việc làm đó là hoàn toàn phạm pháp, cần xử lý nghiêm minh.

Các chuyên gia sau khi tiến hành phân tích thành phần đã chỉ ra rằng, thạch không phải là chế phẩm của hoa quả, thành phần chủ yếu của thạch là carrageenan và nước. Ngoài ra trong thạch không thể thiếu sodium alginate, agar,… Theo BS. Nguyễn Xuân Mai, sử dụng quá nhiều sodium tăng bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến sự hấp thụ của protein trong cơ thể và ngăn chặn sự hấp thụ của các nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt.

BS. Mai nói: Trong cơ thể mỗi chúng ta, tất cả các chất có một tương quan hòa hợp với nhau để chất nọ hấp thụ chất kia, nhưng những người làm giả đã cho quá mức khiến NTD khi ăn vào sẽ cản trở sự hấp thụ các vi chất khác, xáo trộn hấp thụ các vi lượng cho cơ thể, từ đó gây bệnh cho NTD.

BS. Mai nhấn mạnh rằng: Quá trình tiêm chích thạch vào tôm cũng đồng nghĩa với việc sẽ tiêm vi trùng, cấy vi trùng vào sản phẩm, gây nhiễm trùng thực phẩm, không đảm VSATTP. NTD nếu sơ suất, nấu không kỹ, ăn vào sẽ bị bệnh. Hơn nữa, việc bơm, tiêm tôm này cũng làm hư hỏng sản phẩm.

Tức là người ta mua con tôm nhưng lại ăn “một thứ gì đó” chứ không phải con tôm”, BS. Mai giải thích.

Đặc biệt đối với trẻ em, khi ăn nước thạch này vào có thể tăng axit cơ thể, ảnh hưởng đến sự hấp thụ cân bằng dinh dưỡng, làm cho trẻ hình thành “thể chất mang tính axit”. Đây là nguyên nhân gây ung thư cao.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Văn Khải – người gần gũi với nông dân, luôn có mặt kịp thời để cứu giúp người dân chống lở mồm, long móng cho trâu, bò, lợn… bày tỏ bức xúc về tình trạng “buôn gian bán lận” tại Việt Nam.

TS. Khải ví von: Việc cân nặng hơn, làm sản phẩm đẹp lên là chuyện chẳng khác gì “luôn luôn có mặt trời vào ban ngày”. Đã từ lâu rồi, chuyện “buôn gian bán lận” ở nước ta không bị trừng trị nên hầu hết tất cả các hàng hóa đều có sự lừa đảo của người bán.

Riêng về chuyện tôm, bị bắn kim loại nhỏ vào hoặc bơm các dung dịch khác để làm tăng cân đã xảy ra hơn chục năm. Theo TS. Khải: “Đã có nhiều lần báo chí đăng về việc nước ngoài phạt tôm xuất khẩu của Việt Nam vì có nhiều kim loại kích thước nhỏ hoặc nhiều chất hữu cơ lạ ở trong tôm, chỉ có điều các cơ quan hành pháp chưa nghiêm trị để bảo vệ sức khỏe NTD".

Tuy nhiên, nếu dựa theo luật thì cũng không thể xử được vì nếu lượng kim loại hoặc chất lạ đưa vào chưa làm họ lãi hơn 2 triệu trong 1 lần gian dối và chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì không thể xử lý hình sự được”. TS. Khải thừa nhận: Chính bản thân ông cũng đã tận mắt chứng kiến những chủ buôn làm ăn gian dối nhưng không thể bắt hoặc ngăn cản họ.

“Một điều đáng nói là đã có một luận án thạc sĩ và một luận án tiến sĩ chế tạo máy dò kim loại trong gỗ, thực phẩm, hơn nữa chiếc máy đó cũng được bày bán ở Trung Quốc với giá rất rẻ, khoảng 650.000 đồng. Tiếc rằng, không ai dùng chúng vì… dùng cũng chẳng được việc gì”, TS. Khải nói.
Theo Tiểu Phương
VTC news

Đọc thêm