Tôn vinh văn hóa thổ cẩm trong lễ hội mừng năm mới 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -“Hương rừng sắc núi” là điểm nhấn của các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 1/12/2021 đến ngày 2/1/2022.
Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí cả tháng
Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí cả tháng

Một trong những nội dung của “Hương rừng sắc núi” là phần giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng để chào năm mới 2022.

Thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá và là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Cùng là thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc lại có nét hoa văn khác nhau tạo đặc trưng riêng, mỗi vùng miền sẽ có nét riêng biệt về kiểu dáng, màu sắc, trang trí tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa. Mỗi kiểu trang phục của đồng bào các dân tộc là một công trình nghệ thuật tài hoa trong sử dụng màu sắc.

Trong khuôn khổ các hoạt động chủ đề “Làng - Ngôi nhà chung của chúng ta” diễn ra từ ngày 1/12/2021 đến ngày 2/1/2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có hoạt động đồng bào các dân tộc tái hiện các nghi thức văn hóa truyền thống liên quan đến thổ cẩm; giới thiệu với du khách các quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như kỹ thuật bật bông, cán bông, nhuộm màu, se sợi, dệt…

Đơn cử như nghi thức cúng vợt sợi bông (dyeng toc brai) của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai. Nghề dệt thổ cẩm là một trong số các di sản văn hóa phi vật thể của người dân tộc Ba Na. Thổ cẩm Ba Na nổi bật bởi những nét hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc.

Cùng với đó là phần tái hiện nghi thức cúng dâng tấm Zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí cả tháng. Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, Zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng; là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân; thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, người có công với buôn làng.

Thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá và là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc Việt Nam

Thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá và là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc Việt Nam

Bên cạnh văn hóa thổ cẩm, ghé thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách sẽ được đồng bào các dân tộc giới thiệu mâm cơm sum họp ngày cuối năm được tổ chức vào ngày 31/12.

Trong hoạt động này, mỗi một dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng nhất góp cùng vào mâm cơm sum họp, để giới thiệu ẩm thực vùng miền, qua đó thấy được sắc màu văn hóa của các dân tộc hội tụ trong mâm cơm chung ngày cuối năm.

Có thể kể đến món xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi mà của dân tộc Mường; gà nướng của dân tộc Dao; mật ong rừng, cà phê, ca cao của dân tộc Ê đê; bánh Tét của dân tộc Khmer; thịt khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu của dân tộc Thái...