8 tháng năm 2010, tổng doanh thu của Vinalines đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2009 và bằng 60% kế hoạch năm 2010. Kết quả trên khẳng định sự nỗ lực của toàn công ty, tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển trong khi các dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hết.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Vinalines Dương Chí Dũng cho biết: Đến nay, tổng sản lượng vận tải biển của Vinalines đạt gần 20 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2009 và bằng hơn 60% kế hoạch năm 2010. Trong đó, vận tải nước ngoài đạt khoảng hơn 16 triệu tấn, bằng 51% kế hoạch năm 2010 và bằng 131% so với cùng kỳ năm 2009. Vận tải hàng hoá trong nước đạt 2,5 triệu tấn, bằng 41% kế hoạch năm 2010 và bằng 90% so với cùng kỳ năm 2009.Tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 33 triệu tấn, bằng 83% cùng kỳ năm 2009 và bằng 60% kế hoạch năm, lợi nhuận 688 tỷ đồng, tăng 246% so với cùng kỳ, nộp ngân sách đạt hơn 500 tỷ đồng, bằng 69 % so với cùng kỳ. Cùng với việc giữ vững sản lượng hàng hóa thông qua các cảng, 6 tháng qua, Vinalines thanh lý 9 tàu hết khấu hao với tổng trọng tải hơn 100 ngàn tấn, tạo nguồn vốn đối ứng để đầu tư tàu trẻ hơn, tái cơ cấu đội tàu. Như vậy, tính đến ngày 30-6-2010, tổng trọng tải đội tàu Vinalines đạt 2,9 triệu tấn, vượt 300 ngàn tấn so với mục tiêu đề ra vào cuối năm 2010.
Nắm bắt tình hình thị trường, Vinalines chủ động đầu tư tàu, tăng năng lực khai thác, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao về năng lực vận tải. Công ty Vitranschart đầu tư 2 tàu hàng khô với tổng trọng tải hơn 52 ngàn tấn, sản lượng 1,2 triệu tấn; Công ty Vosco đầu tư 1 tàu hàng khô, sản lượng 4 triệu tấn; Chi nhánh Vinalines Hải Phòng đầu tư 1 tàu hàng khô 56.950 tấn…
Tàu chở hàng 22.500 tấn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. |
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp cảng đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2009 về sản lượng hàng thông qua cảng như: Cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh, Cảng Quy Nhơn…Các doanh nghiệp thuộc Vinalines tích cực tham gia tìm kiếm, mở rộng thị trường, giữ đối tác, khách hàng truyền thống, hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Vinabridge doanh thu 85 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tỷ đồng; Công ty Safi doanh thu 50 tỷ đồng, lợi nhuận 4 tỷ đồng; Công ty Vosa đạt 140 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 10 tỷ đồng…
Để đạt được những thành tựu quan trọng trên, Vinalines chú trọng đầu tư phát triển đội tàu, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cảng biển trọng điểm quốc gia như: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng quốc tế Cái Mép, nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thống nhất hợp nhất dự án đầu tư Khu căn cứ dịch vụ dầu khí Sao Mai - Bến Đình và dự án đầu tư cảng container quốc tế Vũng Tàu thành dự án đầu tư xây dựng cảng container quốc tế Vũng Tàu và khu hậu cần logistics. Cảng quốc tế SP- PSA giai đoạn 1 tại Bà Rịa - Vũng Tàu được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với cầu cảng 600m, có thể tiếp nhận hai tàu trọng tải 80.000 tấn, công suất xếp dỡ 1,1 triệu TEUs/ năm đã mang lại hiệu quả cao. Đối với các tuyến vận tải xa như EU, Bắc Mỹ, Mỹ La-tinh, châu Phi, Tổng công ty chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tập trung khai thác các chân hàng ổn định, có sự hợp tác lâu dài, nâng lên thành bạn hàng truyền thống để có kế hoạch xây dựng đội tàu đủ mạnh, tuyến vận tải ổn định, chuyên chở các loại hàng hóa với khối lượng lớn như phân bón, thức ăn gia súc, lương thực, sắt thép…Đồng thời hợp tác mật thiết với các Tổng công ty lương thực miền Nam, Tổng công ty cao su, các đơn vị khai thác khoáng sản để tạo chân hàng ổn định vận tải ra nước ngoài.
Hướng tới mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu SXKD những tháng cuối năm, với sản lượng vận tải 36 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng 73 triệu tấn, doanh thu 20.400 tỷ đồng, Vinalines thu xếp nguồn vốn phục vụ các dự án đầu tư. Xây dựng, phát triển các tuyến vận tải ngắn, xây dựng chi nhánh đại diện và đại lý tốt ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, đồng thời thiết lập, củng cố các công ty logistics, trung tâm phân phối sản phẩm. Xúc tiến liên doanh, liên kết với các hãng tàu, các nhà đầu tư, khai thác tốt cảng biển ở trong nước và mở rộng ra nước ngoài./.
Anh Tú