Góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam
TCT Tân Cảng Sài Gòn là DN quốc phòng-kinh tế thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và được xếp hạng TCT đặc biệt vào năm 2010. Bên cạnh nhiệm vụ quân sự quốc phòng, DN có nhiệm vụ phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế biển với 3 ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cảng, dịch vụ logistic và vận tải biển.
Tháng 3 vừa qua, TCT Tân Cảng Sài Gòn long trọng kỷ niệm 30 năm thành lập (15/3/1989-15/3/2019). Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho TCT Tân Cảng Sài Gòn.
Phát biểu chúc mừng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những thành tích của TCT Tân Cảng Sài Gòn trong 30 năm qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là một quốc gia biển, biển đảo nước ta có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong thế kỷ XXI, “thế kỷ của biển và đại dương”.
Trong 30 năm qua, TCT Tân Cảng Sài Gòn đã gắn bó, trưởng thành cùng với biển, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao các kết quả của Tân Cảng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, hoàn thành tốt vai trò là căn cứ hậu cần, cảng quân sự sẵn sàng chi viện cho các vùng biển đảo; tuần tra, trinh sát trên biển; thi công các công trình quân sự trên các vùng biên giới, hải đảo và đặc biệt trong các năm gần đây đã đưa vào hoạt động Cảng quốc tế Cam Ranh - trung tâm cung ứng dịch vụ hậu cần, kĩ thuật cho tàu sân bay, tàu quân sự lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn |
Từ ngày 1/4/2018, Tân Cảng Sài Gòn đã tiếp nhận nguyên trạng Hải đoàn 128, Hải đoàn 129 từ Quân chủng Hải quân. Nhiệm vụ quân sự quốc phòng của TCT là thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát; làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; tham gia các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; ứng phó sự cố tràn dầu; dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân tại các vùng biển đảo; xây dựng, phát triển khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa...
30 năm xây dựng và phát triển, TCT Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, đảm nhiệm tốt vai trò của căn cứ hậu cần, cảng quân sự, tiếp nhận trên 2.000 lượt tàu quân sự, tổ chức xếp dỡ hàng triệu tấn hàng chi viện cho các vùng biển, đảo; tuần tra, trinh sát trên biển; trực tiếp thi công trên 100 công trình quân sự trên các vùng biên giới, hải đảo; cung cấp hoa tiêu, lai dắt tàu ngầm kilo, tàu quân sự; tham gia cứu hộ, cứu nạn và thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng tại Cảng quốc tế Cam Ranh.
Chủ động hội nhập, hướng tới những kỷ lục mới
Với khát khao sáng tạo, cống hiến, những người lính hải quân đã góp phần tạo nên một Tân Cảng Sài Gòn thành công, phát triển của ngày hôm nay. Trong quá trình phát triển, TCT Tân Cảng Sài Gòn là một điển hình cho DN Nhà nước chủ động hội nhập, kinh doanh hiệu quả, bảo toàn và phát triển tốt vốn Nhà nước; bảo đảm gần 20.000 việc làm với thu nhập ở mức khá cao cho người lao động các địa phương.
Điểm nhấn chính tạo nên thành công của thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn là sự kết hợp đồng bộ giữa chiến lược kinh doanh với chiến lược quản trị DN; kết hợp đồng bộ giữa chiến lược kinh doanh với chiến lược quản trị DN và chiến lược khách hàng. Đồng thời đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là một trong các điểm mấu chốt của TCT Tân Cảng Sài Gòn thành công và phát triển mạnh trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, DN không ngừng quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực, song song với xây dựng, phát huy văn hóa DN quân đội.
TCT Tân Cảng Sài Gòn đã từng bước xây dựng nên hệ thống 28 cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi trên khắp các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có cảng lớn nhất Việt Nam như Tân Cảng Cát Lái, cụm 3 cảng nước sâu tại Cái Mép và cảng container quốc tế Hải Phòng - cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực miền Bắc, đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta với gần 50% thị phần container thông qua các cảng biển của cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt đã khẳng định thương hiệu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics, hơn thế nữa còn đánh dấu thương hiệu Việt Nam có tên trên bản đồ 21 cụm cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới. Nhà nước thu thuế xuất nhập khẩu qua các cảng, ICD của TCT các năm gần đây đều đạt trên 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở của Tân Cảng Sài Gòn đang đảm bảo khoảng 16-18% nguồn thuế thu ngân sách của thành phố.
Quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước, Tân Cảng Sài Gòn đã tiến hành triển khai cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Cùng với việc tiến hành tái cơ cấu, sáp nhập, giải thể phù hợp với chức năng nhiệm vụ, TCT tiếp tục đầu tư, phát triển nâng cao hiệu quả ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và tính tự chủ trong quản trị DN.
Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ: “Năm 2019, Tân Cảng Sài Gòn xác định là “năm bản lề”, tạo đà cho giai đoạn tăng tốc phát triển, nâng cấp tổng công ty trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển. Theo đó, sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu với phương châm 18 chữ: “Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng đầu tư, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững” với các chỉ tiêu tăng trưởng trên 6%. Đặc biệt, cảng Tân Cảng Cát Lái dự kiến sẽ lập kỷ lục mới với 5 triệu TEU hàng container thông qua cảng trong năm, cụm cảng Tân Cảng Cái Mép sẽ đạt tới con số trên 2,2 triệu TEU thông qua trong năm…”.
Đại tá Ngô Minh Thuấn cho biết thêm, thành công của TCT những năm qua chính là thành công của người lao động và ngược lại, cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần của người lao động sẽ là động lực giúp DN phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, công tác quân vận, dân vận, đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn quan tâm, chỉ đạo, đạt kết quả cao. Thời gian qua, cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Tân Cảng Sài Gòn đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồngvới tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng.
30 năm qua, Tân Cảng Sài Gòn đã tiếp nhận trên 76.000 lượt tàu kinh tế, tổng sản lượng hàng container qua hệ thống cảng đạt gần 900 triệu tấn, tăng trưởng bình quân trên 20%/năm; tổng doanh thu trên 160.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trên 23.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách trên 9.000 tỷ đồng; từ vốn chủ sở hữu ban đầu là 14 tỷ đồng năm 1989 đã tăng lên 16.402 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng tài sản trên 26.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa trên thị trường trên 40.000 tỷ đồng.
Năm 2018, Tân Cảng Sài Gòn vượt 1 bậc, từ vị trí 22 lên vị trí 21 trên bảng xếp hạng các cụm cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới. Tân Cảng Cát Lái là cảng đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng “Cảng Xanh” của mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Tân Cảng Sài Gòn lần thứ ba liên tiếp nhận danh hiệu “DN vì Người lao động”, lần thứ năm liên tiếp đạt “Thương hiệu Quốc gia”. Tổng công ty vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” (năm 2004) và nhiều Huân chương các loại.