Bỏ phố về quê trồng lúa
Chúng tôi về xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) vào một ngày cuối tháng năm, khi nắng trải dài trên những cánh đồng lúa nếp. Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa ruộng rươi, chị Oanh bồi hồi nhớ lại ngày khởi đầu dự định.
Chị Oanh kể, do sức khỏe của mình không được tốt, lại chứng kiến thực phẩm bẩn tràn lan, xâm nhập mọi ngõ ngách cuộc sống, ước mơ làm thực phẩm sạch, mà cụ thể là trồng lúa trên ruộng rươi đã thôi thúc chị...
Khi có người bạn ở xã Ngũ Phúc giới thiệu ở quê mình có lúa trồng trên ruộng rươi, chị Oanh rất vui mừng bởi “hạt giống ước mơ” đã có thể tìm được mảnh đất gieo trồng. Thế rồi, cuối năm 2006, Công ty cổ phần Sinh thái ruộng rươi - RUECO ra đời.
Chị Oanh cho biết, khó khăn đầu tiên chính từ những người thân của mình. Việc “bỏ phố về quê” khiến bố mẹ chồng hết sức ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng, chị đi ngược lại xu thế thời đại khi ai cũng muốn thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” thì chị lại “lao về đồng quê”.
Sau khi có sự ủng hộ của gia đình, thử thách tiếp theo chị Oanh phải đối mặt là thuyết phục các chủ đầm nước, ruộng rươi “hợp tác” với mình.
Vốn quen thuộc với cách làm truyền thống bao đời nay, những người nông dân nuôi rươi chỉ chờ đến mùa là thu hoạch rươi đem bán có lãi hơn rất nhiều trồng lúa. Chính vì vậy, khi chị Oanh đặt vấn đề trồng lúa trên ruộng rươi, đã không ít người từ chối thẳng thừng. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hà (Giám đốc Hợp tác xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy) lại có suy nghĩ khác, chị quyết định hợp tác với RUECO.
Mối lương duyên với HTX Thụy Hương
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà cho biết: “Trước khi chị Oanh về đặt vấn đề trồng lúa trên ruộng rươi, chúng tôi cũng đã từng gặp nhiều đơn vị, doanh nghiệp về đề nghị hợp tác. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về vốn, kế hoạch cụ thể, tôi trao đổi thẳng thắn với chị Oanh việc thay đổi thói quen canh tác trên ruộng rươi của người dân nơi đây là một chuyện không hề dễ dàng”.
Để tạo niềm tin cho bà con nông dân và kết hợp sản xuất với HTX Thụy Hương, chị Oanh đã mời các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ về khảo sát.
Các chuyên gia đánh giá rất cao chất đất tại các ruộng rươi, hoàn toàn phù hợp với việc trồng nhiều loại lúa năng suất cao ở nước ta. Việc trồng lúa trên ruộng rươi có thể khiến chất lượng gạo nhiều dinh dưỡng hơn hẳn (khoảng 40% - PV).
Chị Hà nhớ lại: “Ban đầu, chỉ có vài hộ đồng ý làm theo mô hình mà chị Oanh cùng HTX Thụy Hương đặt ra với vỏn vẹn 10 ha. Chúng tôi đã cung cấp giống, các loại phân hữu cơ, quy trình trồng và toàn bộ cách thức chăm sóc lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch trên ruộng rươi. Vào năm 2007, khi vụ lúa đầu tiên được thu hoạch trên ruộng rươi, bà con rất phấn khởi vì kết quả ngoài mong đợi. Lúa trồng trên ruộng rươi hoàn toàn bằng hữu cơ, không hề có thuốc bảo vệ thực vật nên càng không ảnh hưởng đến rươi sống bên dưới cây lúa, năng suất lại cao”.
Cánh đồng lúa ruộng rươi tại xã Ngũ Phúc |
Hai người phụ nữ, hai giám đốc cứ lặn lội ngoài đồng, cùng bà con chăm sóc lúa, rồi quan sát thành quả của mình đến mùa thu hoạch. Số hộ nông dân chủ đầm đăng ký tham gia mô hình trồng lúa ruộng rươi ngày một tăng lên, hiện toàn bộ HTX Thụy Hương đã có tới 80ha trồng lúa trên ruộng rươi.
Chúng tôi có dịp tham quan cánh đồng lúa ruộng rươi tại xã Ngũ Phúc của gia đình anh Lương Văn Cương. Toàn bộ lúa nếp đã chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Hai đầm lúa cũng đồng thời là đầm rươi của anh Cương rộng tít tắp, được cắm biển chỉ dẫn ghi rõ diện tích lúa trồng theo mô hình Lúa ruộng rươi mà chị Oanh đã thực hiện.
Anh Cương cho biết: “Tôi thấy có nhiều sự khác biệt. Nếu như trước kia chúng tôi chỉ chú ý đến rươi rồi đợi mùa thu hoạch thì nay có lúa trên ruộng rươi, giá bán cao, năng suất tốt nên từ nghi ngờ, nay chúng tôi đã tin tưởng hoàn toàn cách làm từ RUECO. Năm nay, ước tính thu hoạch từ cả lúa và rươi, trừ chi phí đi tôi có thể lãi tới gần 1 tỷ đồng”.
Những thành quả “ngọt”
Nhìn cánh đồng lúa trải dài, chị Oanh nhẩm tính, vụ lúa này, toàn bộ diện tích trồng lúa ruộng rươi có thể thu về khoảng 160 tấn. Trong các giống lúa mà HTX Thụy Hương đã triển khai cấy, có nhiều loại được chị Oanh lặn lội vào tận An Giang, Cần Thơ... tìm hiểu và đưa về trồng.
Cũng trên nhiều thửa ruộng, đầm rươi, chị Oanh đề xuất cơ giới hóa, việc trồng và thu hoạch hoàn toàn bằng cơ giới đối với lúa nhưng vẫn không ảnh hưởng tới rươi đã giúp bà con nông dân giảm bớt thời gian và công sức so với trước kia.
Hiện, 1kg gạo ruộng rươi sau khi thu hoạch và đóng gói bao bì cẩn thận được bán với giá 56.000 đồng/kg. Gạo ruộng rươi được phân phối tại hầu hết các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn.
Nhằm tăng giá trị gia tăng, từ gạo ruộng rươi, chị Oanh đặt hàng các cơ sở sản xuất đồ ăn truyền thống từ gạo như bánh do, chè lam, dấm gạo... Giải thích về điều này, chị Oanh nói: “Ngoài gạo bán thành phẩm, chúng tôi có thêm nhiều sản phẩm được làm từ gạo. Điều này vừa tiếp cận thị trường đa dạng, vừa giữ được những nét truyền thống xưa để luôn nhắc nhở con cháu ý thức về những món ngon được làm từ gạo”.
Sản phẩm gạo ruộng rươi |
Cùng với gạo ruộng rươi, các sản phẩm giá trị gia tăng từ RUECO đã được người tiêu dùng đón nhận và phản hồi tích cực. Các đơn đặt hàng sản phẩm cũng vì thế ngày càng nhiều hơn, tạo nên không khí làm việc tại RUECO và HTX Thụy Hương rất rộn ràng.
Hướng đi của riêng mình
Chị Oanh cho biết, chị đã sang Nhật Bản giới thiệu sản phẩm gạo ruộng rươi của mình. “Không dễ dàng có thể xuất khẩu gạo sang Nhật bởi nước họ bảo hộ cho gạo và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, tôi lại nảy ra ý định mời các công ty về nông nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam hợp tác với mình, sản xuất các sản phẩm từ gạo bằng chính công nghệ của họ. Rượu là một ví dụ. Trong khi chúng ta vẫn phải nhập rượu sake của Nhật Bản thì nay có thể tự sản xuất và phục vụ nhu cầu trong nước”, chị Oanh nói.
Một điều khiến tôi ngạc nhiên, đó là các sản phẩm gạo ruộng rươi của RUECO không hề có bất kỳ chứng chỉ công nhận chất lượng nào như Vietgap hay Organic... Thắc mắc điều này, chị Oanh giãi bày: “Bản thân cây lúa trồng trên ruộng rươi đã là chứng nhận đối với thành phẩm của RUECO rồi nên tôi không hề đầu tư bất kỳ chi phí nào để làm chứng chỉ bởi nếu làm như vậy, sẽ đẩy giá thành gạo cao hơn nữa, khó tiếp cận người tiêu dùng”.
Điều lo lắng hơn cả trong nhiều mùa vụ với người phụ nữ tâm huyết với nông nghiệp này đó là khâu bảo quản thóc sau khi thu hoạch. “Rất nhiều năm, chúng tôi phải mang lên Viện Nông nghiệp nhờ sấy hộ rồi lại mang về nên rất mất thời gian và chi phí. Năm 2019 này, tôi đã đầu tư một dây chuyền sấy thóc riêng. Thóc thu hoạch xong được tuốt rồi sấy ngay, đảm bảo chất lượng và không lo mối mọt”.
Mời khách đến nhà bằng chè lam, bánh do từ những cánh đồng lúa ruộng rươi tâm huyết của mình, suốt buổi nói chuyện với tôi, chị Oanh luôn giữ nụ cười. Dám theo đuổi ước mơ của mình, kiên trì thực hiện nó và vẫn tìm tòi hướng đi mới cho RUECO trong thời gian tới, ở chị Oanh đó là nghị lực khiến nhiều người cảm phục.