Thật khó để nói hết những gì mà thế hệ thanh niên-học sinh-sinh viên (TN-HS-SV) Đà Nẵng những năm 70-75 đã làm được. Đó là cả một quá trình đấu tranh lâu dài và không ngừng nghỉ.
Ký ức còn sống mãi
|
|||
Luật sư Đỗ Pháp và bà Phạm Thị Tuyết Nhung, những người từng tham gia trong phong trào TN-HS-SV Đà Nẵng những năm 70-75. |
Vào một chiều cuối tháng 4-2010, tôi hẹn gặp nhà báo Lê Đức Hùng (nguyên Ủy viên BCH Hội LHTN Giải phóng Quảng Đà, Ủy viên BTV Tỉnh đoàn QN-ĐN; Ủy viên BCH Trung ương Hội LHTN Việt Nam), một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào TN-HS-SV Đà Nẵng. Trong ký ức của anh cũng như rất nhiều người tham gia phong trào TN, ngày 17-7-1971 là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của tổ chức Đoàn.
Tại Tịnh Xá Ngọc Cơ, đường Hoàng Diệu, 37 HS đại diện cho hơn một vạn HS của tất cả trường trung học Phan Châu Trinh, Nữ trung học Hồng Đức, Bồ Đề, Bán công Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Sao Mai, Quảng Đức… đã họp thông qua Chương trình hành động và bầu BCH lâm thời Tổng Đoàn HS Đà Nẵng (trước đó, phong trào của TN-HS-SV đã bắt đầu manh nha, và bộ máy đã đi vào hoạt động mạnh từ năm 69-70). Tổng Đoàn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Quận ủy và Quận Đoàn quận 1, và sau này là Ban Cán sự thành phố Đà Nẵng; Đặc khu Đoàn Quảng Đà, Hội LHTN Giải phóng Quảng Đà.
Sau khi thành lập, Tổng Đoàn đã ra hàng ngàn bản Tuyên cáo gửi đến đồng bào và tuổi trẻ học đường Đà Nẵng, khẳng định mục tiêu và báo hiệu thời cơ hành động mới của phong trào TN-HS-SV yêu nước chống Mỹ và tay sai, bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ quyền lợi tuổi trẻ học đường.
Luật sư Đỗ Pháp, nguyên Phó Chủ tịch Nội vụ của Tổng đoàn HS Đà Nẵng (1970-1975) nhớ lại: Bằng nhiều hình thức khác nhau, vừa công khai, bán công khai, vừa hợp pháp, bán hợp pháp, những buổi sinh hoạt lành mạnh, hội thảo các đề tài yêu nước, chống lối sống lai căng; sinh hoạt ở các cô nhi viện đã được tổ chức. Sau giờ tan học, đó đây ở các cụm trường, từng toán HS chụm lại đọc cho nhau nghe những tờ truyền đơn in vội, phổ biến các bài ca đấu tranh, nói cho nhau nghe những gì cần phải làm cho hôm nay và ngày mai.
Cội bồ đề ở chùa Tỉnh Hội, quán sách Việt ở đường Lê Lợi, quán nước mía chị Mười ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), quán chè chị Nhỏ trước cổng trường Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Huệ, đường Quang Trung)… trở thành những “địa chỉ đỏ” của HS-SV ngày ấy. Ở đó, họ cất giấu truyền đơn, bom xăng, rà soát những chiến công, những kinh nghiệm sau mỗi lần tranh đấu. Cũng từ phong trào ấy, nhiều mối tình đẹp và lãng mạn xuất hiện, như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho tuổi trẻ Đà thành giữa thời chiến ác liệt.
Trước sức mạnh của phong trào HS Đà Nẵng, năm 1972, cùng với “chiến dịch Phượng Hoàng”, ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện chiến dịch càn quét “Sao chổi 1” và “Sao chổi 2” truy lùng, bắt bớ, đàn áp các lực lượng cách mạng. Ngày 15-5-1972, hầu hết các anh em cốt cán trong Tổng Đoàn HS Đà Nẵng bị địch bắt và đưa đi khắp các nhà tù miền Nam. Một số thoát ly lên chiến khu tiếp tục chiến đấu, hy sinh. Số còn lại chuyển sang hoạt động bí mật, tiếp tục xây dựng lực lượng tổ chức các hoạt động mới cho đến ngày toàn thắng.
Những “anh em phong trào” ngày ấy-bây giờ
Trong căn nhà ở số 45 Lê Hồng Phong, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, nguyên Đoàn trưởng Đoàn phụ nữ Nhất Chi Mai, nay đã 68 tuổi nhớ lại nhịp sống thời tuổi trẻ. Từ khi còn là HS, bà đã tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo, tham gia biểu tình chống sự hà khắc của kẻ thù, được kết nạp vào đội ngũ cán bộ cơ sở cách mạng của Ban ký vận nội thành Đà Nẵng và sau đó trở thành Đoàn trưởng Đoàn phụ nữ Nhất Chi Mai, tham gia rất nhiều hoạt động mang tính cộng đồng.
Cuối năm 1971, cùng với Tổng Đoàn HS Đà Nẵng, bà cùng rất nhiều anh chị em đã tham gia công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung, cùng đoàn công tác HS-SV Quảng Đà tại Huế quyên góp nhiều lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn mùng đem đến tận Hội An-Tam Kỳ-Quảng Ngãi và các vùng quê cứu trợ đồng bào. Suốt chuyến đi, người đi cứu đói cho đồng bào mình phải ăn từng nắm cơm vắt, phải đổi mọi tư trang cần thiết để lấy vài ổ bánh mỳ cho đồng bào lót dạ. Vùng đất miền Trung nghèo khó, không năm nào không chống chọi với thiên nhiên hà khắc, không năm nào ngưng những chuyến hàng cứu trợ. Vì thế, đối với bà, những ngày như thế dường như chưa bao giờ thành ký ức.
Trưởng thành từ phong trào Đoàn, nhiều người đã đảm nhiệm những chức vụ, vị trí quan trọng kể từ sau ngày đất nước giải phóng, tiếp tục đóng góp công sức của mình cho quê hương.
Trước khi trở thành luật sư, ông Đỗ Pháp đã có thời gian làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cộng đồng Kim Liên, sau đó làm báo. Chị Tuyết Nhung trở thành giáo viên các trường cấp 1 và 2 Nguyễn Thị Minh Khai, tiểu học Lê Quý Đôn, tiểu học Tây Hồ. Từ phong trào Đoàn, các anh Võ Duy Khương, Nguyễn Công Khế, Huỳnh Văn Hoa đã được tôi luyện tinh thần cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền. Nhiều người đã về hưu, vui cảnh điền viên cùng con cháu. Mỗi năm đôi ba lần, họ lại tổ chức những cuộc gặp mặt thân mật để cùng nhau ôn lại những năm tháng đã qua nhưng sẽ còn mãi trong ký ức.
Trong sắc nắng ong vàng của những ngày cả nước chào đón 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà Ngô Minh Nguyệt, một người chị trong phong trào TN-HS-SV ngày ấy không giấu niềm vui khi nhớ lại: Vào những ngày từ 26 đến 28-3-1975, từ chiến khu, nhiều chiến sĩ cách mạng đã bí mật lọt vào nội thành Đà Nẵng, tập kết tại nhà bà để chuẩn bị cho cuộc giải phóng thành phố. Nữ thì may cờ, làm công tác liên lạc, nam thì viết khẩu hiệu, tổ chức các đội quân xung kích. Đêm 28, thành phố cúp điện, để chuẩn bị cho trận đánh lớn, lực lượng làm công tác chuẩn bị phải thắp đèn cầy để làm việc suốt đêm. Ấy thế mà chẳng ai thấy mệt.
Trong mỗi giai đoạn của lịch sử phát triển đất nước, thế hệ TN-SV-HS Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng luôn đề ra những chương trình hành động khác nhau nhằm đáp ứng tình hình mới. Trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết chỉ có ranh giới mong manh, thế hệ trẻ ấy đã sống những ngày tháng đẹp. Nhớ lại quá khứ là nhớ lại một thời, họ đã sống xứng đáng và lựa chọn cho mình một hướng đi tích cực, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc.
TIỂU YẾN