|
Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE Việt Nam, là một tên tuổi quen thuộc trong làng bất động sản Việt Nam.
Sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam và chứng kiến sự tăng trưởng liên tục của thị trường, ông chia sẻ những nhận định về năm 2011 trước thềm Tết Nguyên đán, trong cuộc phỏng vấn riêng của VnEconomy.
Năm 2011 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ góc nhìn của một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, ông nghĩ thế nào về xu hướng của thị trường bất động sản trong thời gian tới?
Tới cuối năm 2010, chúng tôi thấy rõ đồng tiền Việt Nam đang chịu áp lực lớn và lạm phát ngày càng tăng, điều này khiến cho chúng tôi phải hết sức thận trọng trong năm 2011.
Nếu trong năm 2011, nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, chúng tôi hy vọng rằng các luồng vốn vào thị trường bất động sản sẽ gia tăng. Xét về thị trường văn phòng, chúng tôi mong đợi mức giá thuê vừa phải vào năm 2011, để có thể cung cấp những văn phòng có giá trị xứng đáng cho khách hàng.
Cuối năm 2010, tại Singapore, một tòa nhà 91.695m2 đã được cho thuê 100%. Mặc dù chúng tôi thấy nhu cầu vẫn được duy trì tại Tp.HCM, nhưng chúng tôi không thấy có một sự tương đương như thế. Những lo ngại về khả năng phục hồi toàn cầu chậm hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng thể văn phòng cho thuê trong khu vực.
Trong lĩnh vực bán lẻ, chúng tôi đều thấy tại Tp.HCM, Bangkok và Kuala Lumpur có những xu hướng giống nhau, với giá thuê ổn định và nhu cầu tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, tại châu Á, các yếu tố cơ bản của thị trường xuất hiện là vững chắc và sự phục hồi kinh tế khu vực kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy nhu cầu văn phòng là nhiều hơn khi so sánh với các vùng khác.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài về bất động sản (AFIRE) đã xếp hạng Việt Nam là thị trường hấp dẫn thứ tư trong các thị trường bất động sản mới nổi. Cá nhân ông tiếp nhận thông tin này như thế nào?
Sự xếp hạng mới này khích lệ đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Nó thể hiện sự tin tưởng các nhà đầu tư nước ngoài vào những triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ngay cả trong những lúc mà nền bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức. Sự đi lên của Việt Nam trên trường quốc tế cùng với sự hấp dẫn của một nền kinh tế đông dân và có tốc độ tăng trưởng GDP cao đã giúp cho Việt Nam đạt được vị trí đó trong bảng xếp hạng.
Mặc dù GDP giảm trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2009, nhưng mức tăng trưởng thấp nhất vẫn là 5,3%/ năm, một sự tăng trưởng đáng kể so với nhiều nước khác. Trong năm 2010, thị trường văn phòng đã có sự bổ sung lớn về nguồn cung cấp mới, nhưng chúng tôi vẫn ghi nhận hơn 220.000 m2 được cho thuê. Những thách thức đã qua của giai đoạn 2008 và 2009 và nhu cầu tăng trong năm 2010 chính là điều đang khích lệ cho xu hướng phát triển dài hạn của thị trường.
Thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Savills, CBRE, Cushman&Wakefield, John Lang LaSalle..., khác với giai đoạn CBRE mới xuất hiện và giành được lợi thế tương đối lớn trên thị trường. Ông sẽ làm gì với những thách thức từ cuộc cạnh tranh này?
Chắc chắn một điều là sự cạnh tranh sẽ khiến chúng tôi phải tiếp tục cải tiến dịch vụ của mình. Thiếu cạnh tranh sẽ sinh ra sự hài lòng với những gì mình đã có và điều đó đi ngược lại giá trị cốt lõi của CBRE.
Lĩnh vực nào sẽ là lĩnh vực ưu tiên của CBRE tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, và ông có đưa ra mục tiêu cụ thể nào không?
Chúng tôi vui mừng về sự phát triển trên thị trường khách sạn, ví dụ trong 18 tháng tới chúng tôi sẽ ra mắt một số khách sạn mới tại Tp.HCM, bao gồm Novotel, Le Meridien, Pullman và Nikko.
Một lĩnh vực khác mà chúng tôi mong đợi sự tăng trưởng trong những khu công nghiệp và trung tâm dữ liệu. Với sự phát triển của một xã hội "online", sự phát triển các trung tâm dữ liệu sẽ là cần thiết. Các công ty sẽ cần cơ sở hạ tầng mạng, và không gian, để hỗ trợ xu hướng trực tuyến này. Và những nhà phát triển cần phải sẵn sàng để hỗ trợ những xu hướng này. Nhu cầu về khảo sát xây dựng và quản lý dự án cũng sẽ phát triển.
Bên cạnh đó, với sự gia tăng của đầu tư nước ngoài, quản lý dự án một cách chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng. Một nhà quản lý dự án hoàn toàn độc lập và chuyên nghiệp là điều cần thiết cho các dự án bất động sản, và đó là cơ hội cho chúng tôi.
Theo Anh Minh
VnEconomy