(PLO) - Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Complex, ông Shim Won Hwan, nói một trong những mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam chính là “Việt hóa” dần những chiếc smart phone đang dán nhãn “Made in Vietnam”.
“Win-win” để cùng phát triển
Với 8 tỷ USD vốn đăng ký và hơn 5 tỷ USD trong đó đã được giải ngân, không nghi ngờ gì nữa, Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Trên phương diện vốn đầu tư và giải ngân, có lẽ chỉ có dự án Tổ hợp gang thép của Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh là có thể đem ra so sánh. Nhưng trong khi Formosa vẫn đang trong quá trình xây dựng, Samsung đã đóng góp “khủng” cho nền kinh tế Việt Nam, với 23 tỷ USD doanh số xuất khẩu trong năm 2013, và dự kiến khoảng 30 tỷ USD trong năm nay.
Samsung hoàn toàn có thể tiếp tục tăng quy mô đầu tư tại Việt Nam nhiều hơn khi mới đây, kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào thành phố Hồ Chí Minh đã được công bố và về cơ bản, các thủ tục của dự án này đang được hoàn tất để có thể cấp phép sớm. Mặt khác, Samsung cũng đã ký một thỏa thuận theo đó họ có thể tham gia vào các lĩnh vực khác như đóng tàu, xây dựng dự án sân bay Long Thành, tham gia dự án hóa dầu Long Sơn (Vũng Tàu) hay nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3…
“Không khó để nói rằng Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tương ứng trong thời gian sắp tới”, ông Shim Won Hwan hồ hởi khi nói về các kế hoạch của Samsung tại Việt Nam. Hồ hởi là bởi vì, kể từ khi đầu tư vào dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, dường như “kế hoạch Việt Nam” của Samsung ngày càng trở nên thuận lợi. Trong thời gian qua, Samsung đã liên tục mở rộng lĩnh vực đầu tư sang các sản phẩm khác như: điện thoại di động, máy tính bảng, máy hút bụi… Ngoài việc chú trọng vào sản xuất sản phẩm hoàn thiện, Samsung cũng trực tiếp đầu tư sản xuất cũng như quan tâm tới việc mua linh kiện và phát triển các nhà cung cấp tại chỗ.
Cho đến nay, đáng tiếc là cho dù “đầu vào” của Samsung lên tới gần 20 tỷ USD, rất ít nhà cung cấp Việt Nam có thể tham gia được vào quá trình cung ứng linh kiện cho Samsung. Những doanh nghiệp tham gia được chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ được coi là nhà cung cấp “cấp ba”, xếp sau “cấp hai” và “cấp một” do các doanh nghiệp Hàn Quốc đảm nhận. Thực tế này khiến ông Shim và đồng sự “kém vui”, đưa tới một bước tiến khá quan trọng là vào tháng 8/2012, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Samsung, hai bên đã thống nhất cùng hợp tác nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Trở lại Việt Nam, ông Shim Won Hwan cùng đồng sự đã bàn bạc và thảo luận về phương án hợp tác cụ thể với các Bộ ban ngành của Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương… Đầu tháng 9/2014, một cuộc hội thảo chuyên đề về công nghiệp phụ trợ cho Samsung đã được tiến hành tại Hà Nội, thu hút 200 doanh nghiệp trong nước.
Ông Shim Won Hwan thừa nhận, việc sử dụng các nhà cung cấp trong nước là một mục tiêu lâu dài, vì lợi ích cả hai bên. Đối với Samsung, dù có mở rộng quy mô đầu tư và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt nam đến đâu chăng nữa thì vẫn cần có những điều kiện làm tiền đề và một trong những tiền đề đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực tương ứng. Nếu không thể phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, kéo theo việc nền kinh tế khó có thể phát triển bền vững và lâu dài.
Ra biển lớn phải vững tay chèo
Tuy nhiên, vẫn theo ông Shim Won Hwan, trong công cuộc phát triển doanh nghiệp phụ trợ, nếu chỉ có sự cố gắng của bản thân các doanh nghiệp mua hàng như Samsung, hay hỗ trợ của Chính phủ, và tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc thì cũng chưa đủ. Trước hết, bản thân doanh nghiệp phụ trợ phải tự lực thì chúng ta mới có thể giành được lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty khác về chất lượng, giá thành và thời hạn giao hàng.
Hơn nữa, giờ đây khi thị trường đã rộng mở, cạnh tranh không đơn thuần chỉ là giữa doanh nghiệp Việt Nam hay Hàn Quốc mà còn là tất cả các doanh nghiệp khác trên phạm vi thị trường toàn cầu. Do đó, với sự tự vận động của nhà cung cấp, kết hợp với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và công ty thu mua một cách hợp lý, sẽ hình thành các nhà cung cấp có “thế và lực” mạnh hơn và điều đó đảm bảo cho cạnh tranh.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt nam đã và đang chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ về mở rộng hỗ trợ về thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực công nghệ cao, đưa ra các chính sách ưu đãi về thuê đất và vay vốn đầu tư… Nói về những diễn biến này, ông Shim Won Hwan nói đó là những tín hiệu đáng mừng vì “sẽ là đòn bẩy vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp phụ trợ”.
“Hiện nay ở Việt Nam, trên thực tế công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử còn tương đối lạc hậu. Ngay tại Samsung, ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì… Do đó, vì tương lai của Việt Nam, chúng ta bắt buộc phải phát triển ngành công nghiệp sản xuất/chế tạo có sức cạnh tranh. Để làm được điều này, thì phát triển công nghiệp phụ trợ là điều kiện tiên quyết”, ông Shim bày tỏ.
Theo giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bối cảnh hiện nay và câu chuyện Samsung cho thấy việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Samsung để từng bước xây dựng hệ thống công nghiệp hỗ trợ là bước đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay, có lợi cho cả hai phía.
Tới đây, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ cùng các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các doanh nghiệp trong vùng Thủ đô có thể nâng cấp để đáp ứng được điều kiện sản xuất cho Samsung. Theo kế hoạch này, sẽ chọn từ 30 đến 50 doanh nghiệp làm thí điểm trong khoảng một năm với sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và của chính Samsung để tìm ra giải pháp hỗ trợ đồng bộ, từ đó tổ chức quá trình hợp tác theo chuỗi giá trị để mở rộng diện doanh nghiệp tham gia.Dự kiến, các bên sẽ tiến hành khảo sát và lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm phát triển từ tháng 9 đến 12/2014. Sau đó, sẽ tổ chức để các doanh nghiệp đó tiếp cận với Samsung để ký kết hợp đồng hợp tác, với mục tiêu khởi động chương trình hợp tác này vào năm 2015.
Ông Shim Won Hwan hiện đang sử dụng hai chiếc điện thoại của Samsung. Ông ví von: “Tôi đang dùng hai mạng di động Việt Nam là Viettel và Mobiphone, dịch vụ đều rất tốt. Nhưng sẽ thú vị nếu chính hai chiếc điện thoại này cũng là “điện thoại Việt Nam”. Trong khi doanh nhân này hàm ý rằng nâng tỷ lệ nội địa hóa trong chiếc điện thoại lên một mức độ mới, nhiều doanh nhân Việt Nam khác cũng đang tích cực tìm cách để có thể nâng “cấp độ” của mình trong hệ thống cung ứng của Samsung, trong bối cảnh việc mở rộng sản xuất của Samsung chưa hề có dấu hiệu dừng lại!