Doanh nghiệp bị “chơi xấu” trên mạng xã hội: Sẵn sàng làm rõ trắng, đen!

(PLO) - Sau khi xuất hiện một số chai nước giải khát của Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Tân Hiệp Phát (THP) được cho là có dị vật, màu sắc bất thường ở một số địa phương, trên mạng xã hội đã xuất hiện một trang fanpage với tên gọi “Tẩy chay THP” thu hút khoảng 36.000 người like (thích-PV). 
Nhiều chuyên gia nhận định THP đang bị đối thủ chơi xấu
Nhiều chuyên gia nhận định THP đang bị đối thủ chơi xấu
Hàng ngày các thông tin bất lợi, trong đó có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí bôi nhọ, nói xấu được đưa lên trên fanpage này đã không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm chính người tiêu dùng (NTD) hoang mang….
Trao đổi với một chuyên gia về cạnh tranh, chúng tôi được ông cho biết, nếu đúng là fanpage kia được lập ra bởi một doanh nghiệp khác hoặc do một doanh nghiệp khác hỗ trợ, đứng đằng sau để nói xấu THP, thì có thể coi đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và THP có thể khởi kiện với tư cách là một nạn nhân của chiêu trò cạnh tranh đó.
Cơ quan cạnh tranh sẵn sàng hỗ trợ 
Theo vị chuyên gia về cạnh tranh thuộc Hội đồng Quản lý cạnh tranh quốc gia, những hành vi nếu có như lập fanpage nói xấu nhau trên facebook, có thể coi đấy là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi ấy nếu xuất phát từ một doanh nghiệp khác, thì doanh nghiệp đó vi phạm về pháp luật cạnh tranh không lành mạnh. “Cụ thể, hành vi này có thể là anh nói xấu doanh nghiệp khác, nói trong sản phẩm của người ta có cái nọ, cái kia, rồi sản phẩm của họ không bằng của anh hay người ta có cái xấu này, xấu kia mà không đúng sự thật. Đó được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, vị chuyên gia này khẳng định. 
Về phương diện cạnh tranh, theo chuyên gia thuộc Hội đồng Quản lý canh tranh quốc gia này, nếu phát hiện có những hành vi như vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể hỗ trợ, nhưng chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp chân chính và những người tiêu dùng chân chính, lành mạnh. “Đối với những doanh nghiệp có sản phẩm kia, quả thật họ không có sản phẩm xấu, họ có thể nhờ đến cơ quan quản lý cạnh tranh: Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Quản lý cạnh tranh quốc gia. Trong đó, Cục làm nhiệm vụ điều tra, Hội đồng làm nhiệm vụ xét xử và doanh nghiệp có thể nêu vấn đề ra với cả hai cơ quan. Nếu tất cả những vấn đề ấy, mà doanh nghiệp nêu ra cho cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan sẽ có biện pháp hỗ trợ, tất nhiên thông tin phải chính xác”, ông này nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp có chính xác thông tin xấu đó từ đâu ra, mà cung cấp cho cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan sẽ có biện pháp vào điều tra, vấn đề là cần phải có tài liệu và thông tin. 
Trả lời câu hỏi về việc, có thể coi thông tin trên mạng xã hội như một nguồn thông tin để cơ quan cạnh tranh có thể vào cuộc điều tra không, vị này cho biết: “Cũng có thể coi nguồn tin trên mạng là thông tin, nhưng chỉ có thể coi ở khía cạnh là thông tin của người tiêu dùng và chúng ta cũng có Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, cũng có thể căn cứ vào ý kiến người tiêu dùng để điều tra xem xét chính doanh nghiệp đó và kết luận có hoặc không có sản phẩm xấu đó”.
Cũng theo nhìn nhận của chuyên gia này thì trong trường hợp nếu đúng doanh nghiệp có sản phẩm xấu, thì sẽ chuyển sang bước khác, còn nếu không đúng, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ kết luận đình chỉ, đây thực chất là một kết luận nêu rõ doanh nghiệp đó không có hành vi làm ra sản phẩm xấu, gây ảnh hưởng tới NTD. “Trong 1 tháng chúng tôi điều tra và không phát hiện được ra sản phẩm xấu đó hoặc những hành vi vi phạm về sản xuất thì phải có kết luận rõ ràng để minh oan cho doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
“Nạn nhân” có thể khởi kiện
Việt Nam đã có Luật Cạnh tranh và hiện có 2 cơ quan quản lý nhà nước chuyên thực thi luật này, đó là Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) và Hội đồng Quản lý cạnh tranh quốc gia. Trên thực tế, trong những năm qua, Hội đồng cạnh tranh đã xét xử rất nhiều vụ việc lớn. Riêng đối với trường hợp của THP, một lãnh đạo thuộc Hội đồng Quản lý cạnh tranh cho biết: “Trong vụ việc này nếu có đúng, thì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chúng tôi đã xử lý vài trăm vụ. Những hành vi chủ yếu là nói xấu nhau, quảng cáo không đúng, ghi chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn, gièm pha, phá rối doanh nghiệp khác”. 
Tuy nhiên, khi được hỏi vậy nếu trong trường hợp THP bị một doanh nghiệp khác lập fanpage nói xấu, thì cần xử lý thế nào, vị lãnh đạo này cho biết: “Đối tượng của luật cạnh tranh hay nói đúng hơn là các cơ quan cạnh tranh chỉ xử lý được đối với doanh nghiệp, hiệp hội, kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các cơ quan nhà nước, cũng như các cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật cạnh tranh, chứ Luật Cạnh tranh không bao giờ xử lý được người dân, mà phải điều chỉnh bằng luật khác. Trong trường hợp THP bị doanh nghiệp khác núp bóng dưới fanpage “Tẩy chay THP” hay những trang mạng, diễn đàn có dụng ý xấu khác thì chúng tôi đề nghị doanh nghiệp phải tìm ra được xuất xứ, nguồn gốc của thông tin đó. Cụ thể, nếu phát hiện nickname trên trang facebook đó của doanh nghiệp khác, THP có thể khởi kiện doanh nghiệp đó ngay (nếu anh xác định được nickname đó của doanh nghiệp, tổ chức anh có thể khiếu nại và khởi kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh quốc gia). Doanh nghiệp chỉ cần in ra các địa chỉ ấy và nói rõ ngày này, giờ này có thông tin đó. Trong trường hợp họ xóa tên, địa chỉ đi trong quá trình điều tra, chúng tôi có thể lật ngược lại, nhưng nếu in ra được ngay thì sẽ dễ điều tra hơn”.
Qua theo dõi diễn biến trên mạng xã hội cùng các vụ việc liên quan đến THP, nhiều chuyên gia đã cho rằng THP đang bị đối thủ chơi xấu theo kiểu mượn gió bẻ măng, dùng chiêu trò để chiếm thị phần, thậm chí thôn tính, thao túng. Nói về vấn đề này, lãnh đạo Hội đồng Quản lý cạnh tranh quốc gia chỉ rõ: “Chính vì như thế, chúng tôi chỉ cần có một tài liệu sơ bộ thôi, THP có thể nói là bị doanh nghiệp khác cạnh tranh, bên cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền điều tra vào chính doanh nghiệp (đã lập hoặc hỗ trợ fanpage kia). Chỉ cần doanh nghiệp nạn nhân, ở đây là THP chỉ rõ doanh nghiệp chơi xấu họ”.
Không khó để làm rõ trắng- đen
Đối với trường hợp như của THP, thời gian quan xuất hiện rất nhiều chai nước có dị vật rất vô lý như rong rêu, lông, tóc… như ở Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng những sản phẩm đó lại bị bỏ mặc đó, không có cơ quan giám định độc lập vào làm rõ xem có phải sản phẩm của THP hay không, dẫn đến doanh nghiệp vừa bị ảnh hưởng về uy tín sản phẩm, người tiêu dùng cũng hoang mang không biết lựa chọn sản phẩm ra sao, vị lãnh đạo này khẳng định: “Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần chủ động tìm đến cơ quan cạnh tranh. Bởi chúng tôi có cơ quan giám định và có điều luật quy định thẩm quyền của chúng tôi được thuê cơ quan giám định độc lập. Trong trường hợp, kết quả giám định không phải, chúng tôi sẽ tuyên 6 chai đó không phải của THP hoặc đây là sản phẩm giả của THP hay đúng là sản phẩm của THP nhưng đã bị cậy nắp, tác động, khi đó chúng tôi sẽ tuyên bố trên mạng lưới của cơ quan chúng tôi”.
Có một vấn đề, vị lãnh đạo này cũng lưu ý, ở Việt Nam tuy đã có Luật Cạnh tranh, song người tiêu dùng, xã hội đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp chưa biết nhiều về pháp luật cạnh tranh, chỉ có độ 20% doanh nghiệp biết mà chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài biết. Do đó, khi doanh nghiệp nào đó xảy ra sự việc mà nghi ngờ có sự cạnh tranh không lành mạnh, có thể tìm đến cơ quan quản lý cạnh tranh để được hỗ trợ. 
Trao đổi với chúng tôi về sự việc của THP, ông Trần Mai Hiển, Vụ trưởng- Trưởng Ban thư ký Hội đồng Quản lý cạnh tranh quốc cho biết: “Đến nay chúng tôi chưa nhận được đơn của THP đề nghị hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp có đủ căn cứ, nguồn gốc, xuất xứ thông tin chúng tôi sẽ hỗ trợ và điều tra để kết luận doanh nghiệp có hay không có sản phẩm đó. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết những vụ việc cụ thể như vậy để đảm bảo thông tin chính xác, tránh gây nhầm lẫn”.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc của THP, ông Trần Mai Hiển, Vụ trưởng- Trưởng Ban thư ký Hội đồng Quản lý cạnh tranh quốc cho biết: “Đến nay chúng tôi chưa nhận được đơn của THP đề nghị hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp có đủ căn cứ, nguồn gốc, xuất xứ thông tin chúng tôi sẽ hỗ trợ và điều tra để kết luận doanh nghiệp có hay không có sản phẩm đó. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết những vụ việc cụ thể như vậy để đảm bảo thông tin chính xác, tránh gây nhầm lẫn”.

Đọc thêm