Tổng thống Ai Cập chịu áp lực lớn

Ngày 8-2, những người biểu tình tiếp tục tập trung ở Quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo và kêu gọi tuần hành trên khắp đất nước với quyết tâm chấm dứt giai đoạn nắm quyền suốt 30 năm của Tổng thống Mubarak.
Ngày 8-2, những người biểu tình tiếp tục tập trung ở Quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo và kêu gọi tuần hành trên khắp đất nước với quyết tâm chấm dứt giai đoạn nắm quyền suốt 30 năm của Tổng thống Mubarak.

Biểu tình trong hòa bình tại Alexandria. Còn tại thủ đô Cairo sẽ diễn ra tuần hành quy mô lớn với 1 triệu người tham gia. Ảnh: THX
Reuters cho biết, những người biểu tình dựng hàng rào tại Quảng trường Tahrir và hy vọng tổ chức các cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 8-2 và 11-2 (giờ địa phương) với 1 triệu người tham gia. Khoảng 90.000 người đã ký tên trên facebook, kêu gọi Wael Ghoneim - nhà điều hành trang mạng này - trở thành lãnh đạo của họ. Vốn bị cáo buộc khơi mào cho “cuộc cách mạng thanh niên trên Internet”, Ghoneim vừa được Chính phủ Ai Cập phóng thích sau 12 ngày giam giữ. Theo CNN, lực lượng biểu tình nói rằng, họ muốn ông Mubarak rời bỏ cương vị càng sớm càng tốt, đồng thời muốn giải thể Chính phủ, dỡ bỏ luật khẩn cấp, giải tán Quốc hội. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thúc giục các nhà lãnh đạo Ai Cập đối thoại về cải cách. Trong khi Mỹ lo lắng về diễn biến chính trị ở đồng minh Ai Cập, các quan chức Washington cảnh báo rằng, việc rút lui của Tổng thống Mubarak có thể thiết lập lại quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước.

Theo Hiến pháp Ai Cập, nếu ông Mubarak từ chức, bầu cử phải được tiến hành trong vòng 60 ngày sau đó, tốt nhất trước tháng 9 tới. Song, các quan chức Mỹ cho rằng, khoảng thời gian này quá ngắn ngủi nên không đủ để chuẩn bị một cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ. Reuters cho rằng, các cuộc biểu tình ngày 8-2 là phép thử khả năng của lực lượng chống Chính phủ trong việc duy trì áp lực sau khi ông Mubarak từ chức ra đi. Trái lại, nhà lãnh đạo 82 tuổi này còn khẳng định tại nhiệm cho đến cuộc bầu cử vào tháng 9 tới mặc dù sẽ không tham gia tái tranh cử.

Liên Hợp Quốc xác định hàng ngàn người tham gia các cuộc biểu tình trong 2 tuần qua có đến 300 người thiệt mạng. Sau 2 tuần bất ổn, nhiều người tại đất nước có 40% dân số với mức dưới 2 USD/ngày bày tỏ rằng không còn hy vọng trở lại cuộc sống và công việc bình thường được nữa. Thậm chí, tâm lý này xảy ra trong chính những người muốn lật đổ Tổng thống Mubarak. Các chuyên gia ước tính biểu tình gây thiệt hại cho nền kinh tế Ai Cập khoảng 310 triệu USD/ngày.

Trong khi đó, thủ lĩnh nhóm chiến binh Hezbollah, ông Sheik Hassan Nasrallah, nói rằng bất ổn tại Ai Cập sẽ loại bỏ một Chính phủ vốn duy trì hòa bình với Israel. Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979. Ông Mubarak lại có quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo Israel và được xem là cầu nối giữa Tel Aviv và Palestine với thế giới Arab. Còn Hezbollah chống Israel từ năm 1982 và có quan hệ chẳng mấy nồng ấm với Chính phủ của Tổng thống Mubarak từ năm 2009, khi các quan chức an ninh Ai Cập phát hiện một âm mưu của Hezbollah gây bất ổn cho Cairo. Một năm sau đó, một tòa án Ai Cập đã kết tội 26 người làm gián điệp cho Hezbollah và âm mưu thực hiện các cuộc tấn công ở quốc gia Trung Đông này.

PHÚC NGUYÊN

Đọc thêm