Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức

(ĐNĐT) - Tổng thống Hosni Mubarak cuối cùng đã từ chức và trao lại quyền cho quân đội sau 3 thập niên cầm quyền liên tục.
 
(ĐNĐT) - Tổng thống Hosni Mubarak cuối cùng đã từ chức và trao lại quyền cho quân đội sau 3 thập niên cầm quyền liên tục.
aicap122.jpg
aicap1221.jpg
Hàng trăm nghìn người biểu tình ở quảng trường Tahrir đốt pháo hoa và reo mừng khi Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức. Ảnh: Getty, Reuters
Vậy là sau 18 ngày người dân Ai Cập liên tục biểu tình, cuối cùng vị “pharaoh” Ai Cập này đã phải khuất phục trước ý chí của người dân. Đây cũng là nước Bắc Phi thứ hai (sau Tunisia) phải thay đổi lãnh đạo từ những cuộc biểu tình của nhân dân.

Phát biểu trên truyền hình ngày 11-2, Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman tuyên bố do những điều kiện khó khăn mà đất nước đang trải qua, Tổng thống Mubarak đã quyết định rời khỏi chức vụ tổng thống và trao quyền quản lý các công việc của đất nước cho hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang.

Các nguồn tin quân đội cho hay đứng đầu hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang là Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi.

Sau khi có tin ông Mubarak từ chức, hàng trăm nghìn người biểu tình tại quảng trường Tahrir đã bày tỏ niềm vui trước thông tin này.

Phóng viên BBC tại Cairo nhận xét rằng thông báo của Phó Tổng thống Suleiman khiến mọi người hết sức bất ngờ, nhưng việc quân đội tiếp quản giống như một cuộc đảo chính quân sự. "Hiến pháp đã bị vi phạm," phóng viên này nói, "vì về mặt chính thức thì chủ tịch quốc hội phải tiếp quản quyền lực chứ không phải lãnh đạo quân đội."

Chỉ không lâu trước đó, quân đội Ai Cập tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Hosni Mubarak tại vị cho tới tháng Chín, ngay cả khi hàng trăm nghìn người biểu tình giận dữ đang quay trở lại các đường phố để yêu cầu nhà lãnh đạo này từ bỏ quyền lực.

Trong một tuyên bố được đọc trên truyền hình quốc gia, quân đội Ai Cập cho biết sẽ đảm bảo rằng Tổng thống Mubarak thực hiện lời hứa sửa đổi hiến pháp và cam kết tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống công bằng vào tháng Chín tới.

Tại Ai Cập, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) cầm quyền của Ai Cập Hossam Badrawi cũng sắp tuyên bố từ chức sau sáu ngày nhậm chức.
Tài sản bị phong tỏa
Trước đó, Tổng thống Mubarak và gia đình đã rời thủ đô Cairo từ một căn cứ không quân ở ngoại ô tới Charm El-Sheikh, bên bờ Biển Đỏ, nơi ông Mubarak có một dinh thự riêng.
Ông Mohammed ElBaradei, cựu giám đốc Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA) và đảng Anh em Hồi giáo đều hoan nghênh sự kiện này. Ông ElBaradei gọi việc tỏng thống Mubarak từ chức là “ngày trọng đại nhất trong cuộc đời ông”, còn lãnh đạo đảng Anh em Hồi giáo phát biểu: “Người dân Ai Cập đã làm nên lịch sử”.

Tổng thống Mỹ Obama cho rằng việc từ chức này chỉ mới là giai đoạn bắt đầu của tiến trình chuyển đổi ở Ai Cập. Ông kêu gọi quân đội Ai Cập, nhanh chóng bãi bỏ tình trạng khẩn cấp và chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Còn chính phủ Thuỵ Sĩ tuyên bố phong toả rất cả tài khoản của ông Mubarak và gia đình tại các ngân hàng Thuỵ Sĩ, bao gồm tài khoản cũng như bất động sản và những mặt hàng xa xỉ của vợ chồng Mubarak, hai đứa con, các bà con bên vợ của ông này. Ngoài ra một loạt tài khoản của các quan chức cao cấp khác cũng bị phong toả. Trước đó Thuỵ Sĩ đã áp dụng biện pháp phong toả tài khoản của cựu tổng thống Ben Ali của Tunisia khi ông này bị nhân dân Tunisia lật đổ hồi tháng trước.
Theo ước tính, trong ngày 11-2, có ít nhất 1 triệu người Ai Cập đã đổ ra các đường phố trên khắp cả nước đòi ông Mubarak từ chức.

Cùng ngày, giá dầu đã giảm trước thông tin ông Mubarak từ chức, đồng thời làm dịu căng thẳng về khả năng cung cấp bị gián đoạn trong khu vực này.
ĐNĐT (tổng hợp)

Đọc thêm