Tổng thống Mỹ ủng hộ COC

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/11 đã kết thúc chuyến công du châu Á của mình bằng các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông điệp về kinh tế của các nguyên thủ này đã bị lu mờ bởi những căng thẳng về tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/11 đã kết thúc chuyến công du châu Á của mình bằng các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông điệp về kinh tế của các nguyên thủ này đã bị lu mờ bởi những căng thẳng về tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 21. Ảnh: Nation
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Tổng thống Obama ngày 20/11 đã gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Tuy nhiên, cuộc hội đàm về thương mại giữa các nhà lãnh đạo đã bị lu mờ bởi các cuộc thảo luận về các biện pháp để ngăn chặn vũ lực trên biển Đông. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes tuyên bố, Washington ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý và rằng những tranh chấp như vậy cần phải được giải quyết giữa nhiều bên liên quan, chứ không phải bằng đàm phán song phương từng nước một với Trung Quốc. 
Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama ngày 20/11 đã gọi điện thoại cho Công sứ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Hàn Chí Cường để bày tỏ sự phản đối trước việc 4 tàu hải giám của Bắc Kinh đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết, phía Trung Quốc đã từ chối chấp nhận phản đối từ phía Nhật Bản và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp.

“Mỹ tin rằng bất cứ giải pháp nào đều phải phù hợp với luật pháp quốc tế, phải nhằm mục đích bảo vệ tự do thương mại, vốn rất quan trọng với không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả thế giới” – ông Rhodes cho biết sau các cuộc gặp của tổng thống Mỹ. Ông Rhodes nói thêm rằng Mỹ không có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng nước này có lợi ích quan trọng tại vùng biển có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu này. 

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ đã cảnh báo về một môi trường an ninh nghiêm trọng do các tranh chấp lãnh thổ tại châu Á. Ông Noda đã hoan nghênh chính sách đặt trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ và nói rằng Mỹ là người bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Giới chức Nhật cho biết, thủ tướng Noda đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Ông Noda cũng nói rằng Nhật Bản mong muốn được giúp đỡ các nước Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. 
Các cuộc gặp nói trên diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 10 nước thành viên ASEAN và 8 đối tác đối thoại cũng như những người đứng đầu của một số định chế tài chính quốc tế. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Rhodes cho biết, Tổng thống Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á kiềm chế trong các tranh chấp lãnh thổ. “Thông điệp của Tổng thống Obama là cần phải giảm nhiệt căng thẳng” – ông Rhodes nói sau hội nghị diễn ra tại thủ đô Phnom Pênh, Campuchia.
Trong một diễn biến có liên quan, phía Philippines ngày 20/11 đã gửi thư phản đối tới Campuchia sau khi nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh nói rằng các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã đồng ý không quốc tế hóa vấn đề biển Đông và giới hạn các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. 
Minh Ngọc (The0 AFP, Kyodonews, Reuters)

Đọc thêm