Tổng thống Obama thắng lợi với START

Hiệp ước START mới được xem là biểu tượng của quá trình tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ. Với Tổng thống Mỹ Barack Obama, đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia.
Hiệp ước START mới được xem là biểu tượng của quá trình tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ. Với Tổng thống Mỹ Barack Obama, đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký Hiệp ước START tại CH Czech vào tháng 4. Ảnh: AP
Với 71 phiếu thuận và 26 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 22-12 (sáng 23-12, giờ Việt Nam) đã phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) được ký kết với Nga, mang lại thắng lợi lớn cho Tổng thống Obama trong chính sách ngoại giao.

Hãng AP cho biết, 13 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã phá vỡ cam kết với 2 lãnh đạo hàng đầu của họ khi tham gia cùng 56 nghị sĩ Đảng Dân chủ và 2 thành viên độc lập giúp Tổng thống Obama hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết để “cứu” START mới. Mặc dù hiệp ước giành được sự hậu thuẫn của các cựu quan chức trong Chính phủ Mỹ, bao gồm các cựu Tổng thống và các cựu Ngoại trưởng, nhưng nhiều thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa như thủ lĩnh phe thiểu số Mitch McConnell, các Thượng Nghị sĩ John McCain và Jon Kyl đều phản đối việc Thượng viện thông qua văn bản này.

Khi Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, rất nhiều ý kiến quan ngại START sẽ bị “chết yểu”. Một số chuyên gia chính trị cho rằng, Thượng viện mới sẽ nhậm chức vào tháng 1-2011 mặc dù phe Dân chủ vẫn chiếm đa số nhưng thêm nhiều thành viên là người Cộng hòa và “những người mới đến” sẽ bảo thủ hơn đối với các vấn đề chính sách ngoại giao, chẳng hạn như việc kiểm soát vũ khí.

Ông chủ Nhà Trắng đã ca ngợi cuộc bỏ phiếu và mô tả đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng nhất trong gần 2 thập niên qua và sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Obama nói rằng, START mới sẽ tăng cường sự lãnh đạo để ngăn chặn vũ khí hạt nhân lan rộng và hướng đến một thế giới hòa bình. Tổng thống Mỹ đã cam kết trước đó rằng, START mới sẽ được thông qua trước kỳ nghỉ Giáng sinh nên sự kiện này được xem là một thắng lợi cả về ngoại giao lẫn chính trị đối với ông. Còn theo nhà đàm phán về START Richard Burt, sự thống nhất cao của Thượng viện là điều bắt buộc đối với an ninh quốc gia. “Hiệp ước START mới sẽ tiếp tục tiến trình quan trọng trong việc cắt giảm, giám sát kho vũ khí của Nga và Mỹ, mở đường cho bước đi then chốt tiếp đến. “Đưa tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân vào các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân đa phương lần đầu tiên trong lịch sử”, ông Richard Burt nói.

START mới được Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký kết tại CH Czech hồi tháng 4 vừa qua sẽ thay thế cho hiệp ước cũ. Theo đó, mỗi bên sẽ cắt giảm 30% đầu đạn hạt nhân, tức từ mức trần 2.200 đầu đạn hạt nhân còn 1.550, đồng thời thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát. Việc thanh tra vũ khí của Mỹ đã kết thúc từ cuối năm ngoái do giới hạn của START năm 1991.      

Các nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh động thái của Thượng viện Mỹ. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi đây là thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng trong việc ủng hộ giải trừ, không phổ biến hạt nhân. Tổng thống Medvedev cũng đánh giá cao quyết định này nhưng START vẫn còn phải chờ sự phê chuẩn của Duma Quốc gia Nga, dự kiến vào đầu năm tới. Song, Người phát ngôn Duma Quốc gia Nga Boris Gryzlov cho biết, cơ quan lập pháp này có thể thông qua START trước khi kết thúc năm 2010 và sớm nhất vào hôm nay (24-12). Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với Hãng thông tấn Interfax rằng, việc phê chuẩn hiệp ước sẽ là “cú hích” mạnh mẽ trong quan hệ Nga - Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

Đọc thêm