Tour caravan kêu gọi hạn chế rác thải nhựa

(PLVN) - Du lịch bây giờ không đơn thuần là tham quan, nghỉ dưỡng mà còn hướng tới những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. Đây là điều mà các doanh nghiệp lữ hành đang hướng tới. 
Bà Cao Thị Ngọc Lan- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động chương trình “du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”
Bà Cao Thị Ngọc Lan- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động chương trình “du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”

Tác hại khôn lường

Cuối năm 2018, đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc từng công bố thông tin mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa. Bà Jacinthe Seguin, chuyên gia Canada quan ngại, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. 

Tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Nhựa sẽ dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 - 800 độ C và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể. Những chất độc đó tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trong nhựa có chưa một chất độc hai là DOP.

Chất độc này có thể gây ảnh hưởng giới tính ở trẻ em và gây vô sinh ở các bé gái. Bên cạnh những ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe, phế phẩm từ nhựa còn tác động xấu đến môi trường. Những hạt nhỏ li ti đó có thể ngấm vào đất đi vào các mạch nước ngầm.

Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Hoặc chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có rất nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc…

Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến được yêu thích của khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có việc xử lý rác thải nhựa đang là bài toán khó đặt ra cho du lịch Việt Nam. Hệ thống các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí phát triển quá nhanh… để đáp ứng nhu cầu của lượng khách du lịch.

Trong khi đó, hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịch chưa theo kịp, cho nên nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ được xây dựng thiếu hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Túi nilon, chai lọ, vật dụng làm bằng nhựa vứt bừa bãi khắp các điểm du lịch. Ðây đang được coi là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn, giảm chất lượng các dịch vụ du lịch, khiến du khách có ấn tượng không tốt về hình ảnh du lịch Việt Nam. 

Nói không với nilon, đồ nhựa dùng một lần?

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.

Từ ngày 15 - 17/7/2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La và các doanh nghiệp du lịch phát động chương trình hành động “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”. Chương trình được thực hiện dưới hình thức tour caravan.

Tại Trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sẽ diễn ra caravan tuyên truyền du lịch bảo vệ môi trường.

Tại Hòa Bình sẽ diễn ra tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa, gắn áp phích ở các cơ sở kinh doanh du lịch. Tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, sẽ là phần phát động du lịch vì môi trường xanh, sạch và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi nilon...

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị du lịch, hãng lữ hành đã phát động “Chống rác thải nhựa, nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần” vì môi trường du lịch xanh, phá triển bền vững. Đây là việc làm cần thiết, góp phần tạo ra phong trào người dân địa phương, nhân viên du lịch, du khách nhận thức tác hại của rác thải nhựa, tiến đến dần giảm thiểu sử dụng và phát sinh rác thải nhựa, nilon, thay thế bằng các vật liệu khác thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, vật dụng bằng thủy tinh.

Trong các cơ sở lưu trú có thể sử dụng bàn chải làm từ tre để thay thế bàn chải nhựa… Việc hạn chế, tiến đến không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ góp phần giữ gìn môi trường, xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện.

Ngoài ra, các công ty lữ hành Việt Nam đã đưa ra những tour du lịch kết hợp với việc bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, nhặt rác thải... như cùng làm nông dân một ngày, một ngày cùng chính quyền địa phương hay cùng đoàn thanh niên ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội An (Quảng Nam), tham dự nhặt rác trên bãi biển, tham dự cùng thành phố Hội An một ngày không có nilon...

Hay có những chương trình vào mùa thu, xuân như trồng cây, mang màu xanh cho địa phương như ở Yên Bái, Tuyên Quang cùng người dân trồng những khu rừng mới. Thông qua những chương trình đó du khách vừa được hòa mình vào thiên nhiên và đem lại lợi ích cho cộng đồng. 

Đọc thêm