Ngày 23/2, Toyota đã có phiên điều trần trước các đại biểu Quốc hội Mỹ về sự an toàn xe hơi của hãng. Đích thân ông James E. Lentz III, giám đốc kinh doanh của Toyota Mỹ trả lời chất vấn.
Từ mùa thu năm ngoái đến nay, nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới Toyota đã phải thu hồi hơn 8 triệu xe toàn cầu, trong đó, Mỹ bị thu hồi 6 triệu xe do lỗi kẹt dính bàn đạp chân ga dẫn đến việc xe bị tăng tốc đột ngột.
Tháng 2/2010, các đại lý bán lẻ đã bắt đầu tiến hành sửa chữa sự cố nói trên bằng cách chèn thêm một miếng thép gia cố vào hệ thống bàn đạp.
Tuy nhiên, ông Henry A. Waxman, Chủ tịch Uỷ ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ cho rằng, mặc dù Toyota đã 2 lần tuyên bố thu hồi xe vì lý do tăng tốc đột ngột, nhưng những báo cáo đầy mâu thuẫn của hãng này lại khiến người ta thêm nghi ngờ về nguyên nhân thực sự của vấn đề.
Giải đáp thắc mắc trên, ôngLentz cho biết, hiện Toyota vẫn đang tiến hành kiểm tra một cách cẩn thận nhất tất cả mọi bộ phận bị nghi vấn, kể cả hệ thống tích điện của xe mà từ trước đến giờ công ty vẫn quả quyết không thể có lỗi để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất gây tai nạn.
“Chúng tôi phải thật thận trọng và sẽ tiếp tục điều tra tất cả những đơn thư phàn nàn của khách hàng. Có khả năng tai nạn xảy ra do lỗi kỹ thuật, nhưng cũng có thể là một loại lỗi nào đó khác”, ông Lentz cho hay.
Ông Waxman nói thêm: “Phía Toyota cần đảm bảo là sẽ tìm ra được nguồn gốc của vấn đề và giải quyết triệt để để tránh gây hoang mang cho khách hàng. Tuy một số nghi ngờ của chúng tôi đều bị phủ nhận, nhưng trước những bằng chứng xác thực có được, chúng tôi không thể bỏ qua”.
Vợ chồng bà Smith xúc động khi kể lại vụ tai nạn |
Trong cuộc điều trần này, Bộ trưởng giao thông vận tải Ray Lahood cũng bị ông Dingell, Đảng viên đảng Dân chủ của bang Michigan và các thành viên quốc hội khác chất vấn. Tất cả họ đều cho rằng Cơ quan an toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ NHTSA đã không theo dõi một cách sát sao các vụ thu hồi của Toyota.
Trong suốt cuộc nói chuyện, ông LaHood luôn bênh vực các cuộc điều tra của chính phủ và lảng tránh những câu hỏi của các đại biểu như “liệu NHTSA làm việc có thực sự nghiêm túc?” và hứa, cơ quan này sẽ xem xét thật cẩn thận những nghi vấn của khách hàng về hệ thống tích điện.
Lúc này, bà Smith, một nhân chứng nghi ngờ hệ thống tích điện của Toyota có lỗi đã kể lại vụ tai nạn xảy ra hôm 12/10/2006, khi chiếc Lexus bà đang điều khiển tự nhiên tăng tốc lên tới 160km/h.
Bà cho biết, lúc xe tăng tốc, bà đã cố gắng bấm nút điều khiển, chuyển số liên tục và đạp phanh nhưng chiếc xe không dừng lại được. Phải mất hơn 10km vật lộn, bà mới điều khiển được nó.
Bà còn nói thêm, bà cảm thấy phía Toyota xem lá thư khiếu nại của bà là “một trò đùa”, hãng không hề có một hành động tích cực nào để giải quyết vấn đề. “Một kĩ thuật viên của hãng khi được tôi kể lại sự việc đã không tin và cho rằng tai nạn xảy ra là do tôi nhấn phanh liên tục trong khi lốp đang quay với tốc độ nhanh.
“Tôi cảm thấy bị sỉ nhục vì bị cho là một kẻ nói dối”, bà Smith bức xúc nói.
Cho đến tận bây giờ, bà vẫn cho rằng không ai ở Toyota hay NHTSA quan tâm đúng mực đến đơn phàn nàn của bà.
Tuy nhiên, ông LaHood đã lên tiếng phản đối: “Chúng tôi đã cử 125 kĩ sư làm nhiệm vụ điều tra sự việc. Như vậy, không thể nói là chúng tôi không có chuyên gia làm việc hay không làm gì”.
Còn ông Lentz thì tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên bởi thái độ nhân viên của hãng với bà Smith. Ông hứa sẽ đến gặp vợ chồng bà, kiểm tra chiếc xe bà đã lái để tìm ra lỗi nếu có.
Rồi giọng ông bất chợt chùng xuống khi kể về người anh trai đã mất trong một vụ tai nạn 20 năm trước. “Không có ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến việc đó”, ông nói.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì Lentz đã không thành công trong việc cố gắng xoa dịu sự giận giữ của khách hàng trong phiên điều trần đầu tiên này. Ông liên tục lảng tránh nhiều câu hỏi, sử dụng nhiều câu trả lời “Tôi không biết”, và đưa ra toàn những câu xin lỗi, hứa hẹn sẽ nỗ lực hết sức để sửa chữa sai lầm.
(Tổng hợp)