Núi thải càng lớn, hiểm họa càng cao
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 4 khu vực khai thác than tập trung là Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long và Cẩm Phả với tổng sản lượng khai thác đạt trên 45 triệu tấn/năm. Trong đó, diện tích khai thác than lộ thiên khoảng 6.000ha với sản lượng đạt gần 20 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại TP Cẩm Phả với các mỏ lộ thiên lớn như: Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn.
Theo Sở TN&MT Quảng Ninh, tổng lượng nước thải mỏ mỗi năm khoảng 58,9 triệu m3, song chỉ xử lý được khoảng 25,9 triệu m3, còn lại đổ thẳng ra các sông suối rồi ra biển gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Tuy nhiên, hiểm họa trước mắt, trực tiếp lại đến từ những núi đất đá thải trong hoạt động khai thác than, khối lượng thực tế của các núi thải chưa được thống kê chính xác, nhưng theo tính toán của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hiện nay khối lượng đất đá thải bóc xúc từ hoạt động khai thác lộ thiên ở riêng vùng Cẩm Phả là 150 - 180 triệu m3/năm, chủ yếu tập trung ở bãi thải ngoài như Đông Cao Sơn, Nam Khe Tam, Đông Khe Sim và Bàng Nâu. Tính đến 31/12/2012, tổng khối lượng đất đá thải còn lại vùng Cẩm Phả là 3,7 tỷ m3, đến năm 2020 khối lượng đất đá thải của vùng này sẽ tăng thêm 1,9 tỷ m3.
Tại khu vực TP Cẩm Phả, sau nhiều năm đổ thải, chân bãi thải đã tiến dần vào khu dân cư, nhiều điểm giáp ranh với khu dân cư, bãi thải tựa như những quả núi xám xịt cao đến 300m, ngay trên mái nhà dân. Tại đây, đất đá rời rạc được đổ lấn từ trên đỉnh núi, hàng tỷ m3 đất đá liên kết rất kém và có khả năng ngậm nước với khối lượng lớn. Có thể nói, nguy cơ sạt lở và lũ bùn từ các núi đất đá nhân tạo này vẫn luôn hiện hữu mỗi khi trời có mưa to kéo dài.
Lũ bùn vùi lấp 100 hộ dân tổ 1, 2 khu 4 phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) tháng 7/2015. |
Núi thải càng lớn, nỗi lo của người dân Cẩm Phả càng nhiều, khi mà năm nào, cứ vào mùa mưa lũ là hiện tượng sạt lở núi thải, lũ bùn tràn xuống nhà dân gây chết người, san phẳng địa hình, vùi lấp công trình thường xuyên xảy ra. Điển hình là vụ bục kè chắn Khe Rè làm hàng chục hộ dân thương vong, mất sạch nhà cửa.
Thảm họa thực sự đến vào mùa mưa bão cuối tháng 7/2015, sau cơn mưa lớn vài ngày liên tiếp, khu vực sườn bãi thải khai thác than Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) bị xói lở, phá vỡ các tầng thải và đê chắn khiến cho hàng chục nghìn mét khối đất đá, xỉ than tạo thành suối lũ bùn trượt xuống khu dân cư dưới chân. Hơn 100 ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn nước, trong đó có nhiều nhà bị chôn vùi tới tận nóc, thiệt hại về tải sản hết sức nặng nề. Công ty Than Mông Dương trong khu vực cũng bị bồi lấp gần như bị san bằng, tưởng chừng Công ty này đã bị xóa sổ do nước tràn xuống hầm lò, sản xuất tê liệt hoàn toàn, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Những biện pháp xử lý tạm thời
Trước nguy cơ có thể xảy ra thảm họa khôn lường, quy hoạch hệ thống bãi thải đã được phê duyệt, các cấp chính quyền đang yêu cầu các đơn vị ngành than tiếp tục xây dựng các công trình, đập chắn ngăn cách bãi thải với khu dân cư. Tuy nhiên, giải pháp hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh là di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, Đề án di dân tổng thể cũng được phê duyệt.
Theo đó, Đề án di dân tổng thể và quy hoạch bố trí dân cư phòng chống thiên tai giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh sẽ di dời 433 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than, trong đó TP Cẩm Phả cần di dời 332 hộ dân, 100% trong số này là do nguy cơ từ các bãi thải và khai trường khai thác than. Tổng kinh phí là hơn 360 tỷ đồng, toàn bộ đều do ngành than chi trả. Tính đến thời điểm này, tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) có 125 hộ đã di dời, bàn giao mặt bằng, nhận tiền hỗ trợ theo quy định.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã đề nghị những đơn vị khai thác than trên địa bàn tiến hành tập trung gia cố lại hệ thống các tầng thải, nạo vét hệ thống thoát nước, xây dựng đê đập chắn đất đá tại các vị trí xung yếu. Hiện nay, tại bãi thải Đông Cao Sơn, Công ty CP Than Cọc Sáu đang thi công tuyến đê chắn chân bãi thải dài 1500m, có kết cấu rọ đá lọc nước chắn đất đá, trồng cây trên thân đê để tạo cảnh quan. 2 con đập H10 kiên cố cao tới 10m cũng được xây dựng, có hệ thống mương nước tiêu thoát dưới chân.
Theo ông Đinh Thanh Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác, Công ty CP Than Cọc Sáu cho biết: “Thiết kế bãi thải này chúng tôi đã tính toán, các phương án đổ thải, thoát nước bãi thải Đông Cao Sơn và đã được TKV phê duyệt. Chúng tôi khẳng định các công trình đê kè ở bải thãi này đảm bảo an toàn cho dân cư”.
Tuy nhiên, trả lời chất vấn các đại biểu tại Kỳ họp thứ 22 cuối năm 2015, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, Tập đoàn này gần đây đã hoàn nguyên được trên 320ha bãi thải tại Cẩm Phả và đang phục hồi môi trường khoảng 110ha tại 2 khu vực thuộc bãi thải Đông Cao Sơn vừa kết thúc khai thác. Việc khắc phục triệt để tình trạng sạt lở, và mưa lớn kéo theo đất đá ảnh hưởng tới các khu dân cư là vô cùng khó khăn.
Nhìn lại mùa mưa bão năm 2015, sau 5 ngày vật vã trong mưa lũ, thiệt hại trên địa bàn Quảng Ninh được xác định chủ yếu từ hiện tượng lũ bùn, sạt lở đất đá từ các bãi thải khai thác than. Thống kê cho thấy, có 17 người chết, trong đó có những gia đình mất cả cha mẹ, con cái; 339 căn nhà đổ sập và hư hỏng nặng; gần 4.000ha lúa, hoa màu và gần 1.200ha nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại; hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi,… Tổng thiệt hại 2.700 tỷ đồng, riêng ngành than thiệt hại 1.200 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị ngành than còn nhiều việc phải làm trong mùa mưa bão năm 2016 và những năm tiếp theo.