Sở Tài chính Tp HCM đã họp với hàng loạt cơ quan liên quan xem xét điều chỉnh giá bán các mặt hàng thịt lợn trong Chương trình bình ổn thị trường với giá bình ổn dự kiến điều chỉnh tăng 2 – 14 ngàn đồng/kg (1,2 - 11,9%), giá bán sau khi điều chỉnh thấp hơn bình quân trên thị trường 9,86 - 10,3%. Mức giá này được cho là đảm bảo dẫn dắt thị trường, đồng thời góp phần ổn định đời sống, tâm lý của người dân nhất là trong giai đoạn cận Tết.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, các đơn vị không thống nhất với mức điều chỉnh trên. Đại diện Sở Công Thương (cơ quan Thường trực Chương trình bình ổn) đề nghị, xem xét điều chỉnh giá bán chỉ thấp hơn thị trường 5%.
Đại diện Vissan không thống nhất với mức điều chỉnh thấp hơn thị trường 10% do gây thêm áp lực tài chính, gây lỗ vốn. Vissan kiến nghị xem xét điều chỉnh tiêu chí giá bán thịt lợn bình ổn chỉ thấp hơn thị trường 3%.
Tuy nhiên, trước mắt, thực hiện Chương trình, đề xuất giá bán bình ổn chỉ thấp hơn thị trường 5%, nhưng nếu giá nguyên liệu lợn hơi vẫn tăng thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục đề nghị điều chỉnh tăng giá bán bình ổn. Trường hợp không được điều chỉnh giá bán thì doanh nghiệp không thể thực hiện được cam kết cung cấp lượng hàng ra thị trường như đã đăng ký.
Sở Tài chính nêu quan điểm, theo kế hoạch thực hiện Chương trình, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: Đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5 - 10%... Như vậy, việc điều chỉnh giá bình ổn thấp hơn thị trường 10% là phù hợp quy định Chương trình và đảm bảo đời sống, tâm lý người dân giai đoạn hiện nay…
Theo Sở Tài chính, hiện giá bán bình ổn đang dẫn dắt thị trường. Nếu điều chỉnh giá thịt lợn trong Chương trình thì các đơn vị không bán hàng bình ổn sẽ lập tức tăng giá bán, từ đó tạo nên mặt bằng giá mới cao hơn.
Căn cứ báo cáo của hệ thống các siêu thị thì hiện sức mua mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ do giá bán bình ổn thấp hơn giá thị trường. Do đó, để tránh tình trạng “mua gom”, mức giá điều chỉnh thấp hơn thị trường 10% là phù hợp, đồng thời với đáp ứng mục đích hạn chế thiệt hại của doanh nghiệp trong Chương trình.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thịt lợn 2019-2020 gồm: Công ty Vissan; Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn; Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Trong đó Vissan (sản lượng cung cấp cho kênh phân phối hiện đại chiếm 70%), sản lượng tự chủ động chỉ từ 8-10%, còn lại phải đi thu mua của các đơn vị. Việc điều chỉnh giá bán bình ổn ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh Vissan. Với các doanh nghiệp còn lại vừa chăn nuôi vừa bán lẻ nên doanh thu trong bán lẻ thịt lợn và doanh thu bán lợn hơi về cơ bản vẫn đảm bảo hoạt động doanh nghiệp.
Từ những nội dung trên, Sở Tài chính trình UBND TP xem xét, có chỉ đạo về định hướng điều chỉnh giá thịt lợn trong Chương trình tại thời điểm hiện nay để các sở, ngành, đơn vị có cơ sở thực hiện. Được biết, hiện UBND TP đang xem xét ý kiến này của Sở Tài chính để có kết luận cuối cùng.
* Liên quan lĩnh vực thịt lợn, từ nay tới hết quý I/2020, Việt Nam sẽ nhập thêm 100.000 tấn thịt lợn để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thịt đang rất cao. Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây.
Theo ông Hải, nguồn cung thịt lợn đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Hiện bình quân giá thịt lợn hơi tại các chợ đầu mối dao động 90.000-92.000 đồng một kg. Ông Hải thông tin, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp phối hợp doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn.
“Những việc có thể làm luôn là các doanh nghiệp cần tăng nhập khẩu, đưa hàng ra thị trường để giảm giá bán”, ông Hải đề nghị và yêu cầu thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ giới thiệu cho doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, tổng đàn lợn cung cấp cho thị trường miền Nam giảm khoảng 50% so với đầu năm 2019. Các tỉnh, thành lân cận cung cấp nguồn thịt chủ lực như Đồng Nai, Đồng Tháp cũng giảm mạnh, lần lượt 34% và 42%. Lượng thịt tiêu thụ tại TP HCM giảm 30% so với trước do giá tăng cao.
Giá mặt hàng này tại TP HCM tháng 12 đã tăng gấp ba so với tháng 3. “Với tình hình cung cầu như hiện nay, nếu chủ quan, khả năng cao thiếu thịt dịp Tết. Vì hiện nguồn cung đáp ứng được song từ 23 tháng Chạp đến hết Tết, nhu cầu thịt lợn sẽ tăng gần gấp đôi, tính chung 7 ngày Tết cần đến hơn 100.000 tấn thịt lợn”, bà Trang nói.
Các doanh nghiệp sản xuất cam kết nhập thêm thịt lợn để bình ổn giá, song theo bà Trang, thịt lợn nhập về phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...) nên giá đưa ra thị trường tương đương với thịt nóng, chưa cạnh tranh để người tiêu dùng chọn mua. Do đó, Sở Công Thương TP HCM đề xuất nên có cơ chế miễn, hoặc giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt lợn dịp cao điểm để tạo sức cạnh tranh.
Về điều này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, giảm thuế nhập khẩu thịt lợn để mặt hàng này có giá cạnh tranh hơn, kích cầu thị trường.