Ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Xây dựng, đại diện Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước… làm việc tại TP HCM về việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nhà ở.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình cùng đại diện các Sở Ngành TP HCM.
Báo cáo với Đoàn công tác liên ngành, UBND TP HCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu mà UBND TP HCM đặt ra là thực hiện cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới thay thế 50% trong tổng số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn TP, tuy nhiên TP đã thực hiện cải tạo sửa chữa hoặc xây dựng mới 213/237 chung cư, đạt 89,8% so với chỉ tiêu đề ra, xây dựng mới được 2 chung cư và đang thi công 03 chung cư.
Cũng trong giai đoạn này, TP đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, với tổng diện tích đất gần 25ha, gần 1.200.000 m sàn xây dựng, quy mô 15.000 căn hộ (đạt 74,773% kế hoạch). Trong đó, vốn ngân sách đã đầu tư 620 căn hộ (chiếm 4,15%), vốn doanh nghiệp đã đầu tư 14.334 căn hộ (chiếm 95,85%).
Về nguồn gốc đất, có 03 dự án sử dụng đất quốc phòng an ninh, chiếm 10,2%; có 07 dự án sử dụng đất do nhà nước trực tiếp quản lý, chiếm 31,7%; có 09 dự án sử dụng đất do doanh nghiệp tự đền bù GPMB, chiếm 58,1%.
Trong đó, có 05 dự án sử dụng quỹ đất ở 20%, với tổng diện tích đất 77.000 m2, chiếm 36,7%; có 14 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) độc lập, chiếm 67,3%.
Trong cả giai đoạn này, TP HCM chỉ xây dựng được 01 dự án nhà lưu trú công nhân với diện tích 4,74ha, quy mô 756 phòng, đáp ứng 4.600 chỗ ở cho công nhân, như vậy chỉ đạt 13,1%.
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và thực hiện toàn diện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. |
Cũng tại buổi làm việc, UBND TP HCM đã đưa ra những vướng mắc và kiến nghị với Bộ Xây dựng các vấn đề liên quan đến bồi thường đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; bồi thường cho Nhà nước đối với phần diện tích sở hữu chung chưa bán cho các hộ dân; các chung cư không kêu gọi được nhà đầu tư; sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật Đất đai, luật Đầu tư trong quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, TP HCM dự kiến phát triển 2.500.000 m sàn xây dựng nhà ở xã hội, tương đương khoảng 35.000 căn NƠXH (bao gồm cả nhà lưu trú cho công nhân và ký túc xá sinh viên), trong đó diện tích sàn NƠXH cho thuê phấn đấu tại tối thiểu 500.000 m2 sàn (chiếm 20% diện tích NƠXH).
Để tháo gỡ khó khăn và hướng đến hoàn thành kế hoạch đã đề ra, doanh nghiệp và địa phương tại TP HCM đã kiến nhiều vấn đề như nghĩa vụ về NƠXH đối với các dự án đề nghị gia hạn thực hiện dự án.
Trong đó, các dự án thương mại có quy mô từ 2 đến dưới 10ha được giữ nguyên hình thức điều tiết nhà ở xã hội theo chấp thuận đầu tư ban đầu hoặc được lựa chọn một trong ba hình thức. Cụ thể:
Thứ nhất, trực tiếp dành 20% quỹ đất ở trong dự án để đầu tư xây dựng NƠXH.
Thứ hai, chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%.
Thứ ba, nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ về NƠXH, để thực hiện nghĩa vụ về NƠXH theo quy định tại Nghị định số 188/2015/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng kiến nghị những vấn đề liên quan đến xác nhận hoàn tất nghĩa vụ về NƠXH đối với dự án, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bồi thường GPMB để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước. …
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời ghi nhận nỗ lực của TP HCM trong việc thực hiện chương trình phát triển nhà NƠXH, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Đồng thời, Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh, trong thời gian tới, TP HCM cần ban hành kế hoạch hành động nhằm thực hiện toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển nhà ở; sớm ban hành các danh mục, chủ động thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; cần khai thác tối đa các gói hỗ trợ của Chính phủ để kích cầu việc xây dựng nhà ở cho công nhân; rà soát lại quỹ đất phát triển nhà ở theo quy định; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các chủ đầu tư, người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ về phát triển nhà ở. Đối với các kiến nghị của thành phố, các doanh nghiệp, đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Bộ sớm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Trong ngày 18/3, đoàn công tác tiếp tục làm việc với Sở Xây TP HCM về các vấn Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.