TP HCM có thể cấm cán bộ mặc quần jeans nơi công sở

Trong hàng loạt quy định Sở Nội vụ đề xuất; cán bộ, công chức không được mặc quần jeans, áo thun tại nơi làm việc.

Trong dự thảo Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức vừa trình UBND TP HCM, Sở Nội vụ cho biết đã xây dựng từ năm 2016 và lấy ý kiến rộng rãi.

Động thái này xuất phát từ thực tế còn nhiều cán bộ yếu kém trong giao tiếp, có hành vi sách nhiễu, tiêu cực... và thành phố xác định việc xây dựng đạo đức công vụ là cấp bách.

Không mặc quần jeans nơi công sở

Cán bộ khi làm việc trang phục phải gọn gàng, đầu tóc lịch sự, đi giày có quai hậu. Đặc biệt, họ không được mặc quần jeans, áo thun và hút thuốc trong công sở.

Giờ làm việc buổi sáng từ 7h30, chiều 13h. Họ được yêu cầu đeo thẻ công chức khi làm việc và thực hiện nhiệm vụ ngoài cơ quan; không nghe nhạc, chơi điện tử, truy cập trang mạng có nội dung không liên quan đến công việc; không hoạt động mê tín dị đoan và thờ cúng trong phòng làm việc.

Làm việc trực tiếp với người dân, cán bộ phải rõ ràng, không được quát nạt, nói tục, nói tiếng lóng; cấm có hành vi nhũng nhiễu, gây căng thẳng, dọa nạt.

Khi giao tiếp qua điện thoại, họ không được gắt gỏng hay nói trống không, ngắt điện thoại đột ngột.

"Cán bộ không để người thân lợi dụng danh nghĩa để vụ lợi. Không được tổ chức đám cưới, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức… xa hoa, lãng phí", bộ quy tắc nêu.

Công khai quan hệ xã hội của công chức

Dự thảo còn đề xuất công khai các hoạt động nhiệm vụ công vụ và quan hệ xã hội của công chức.

Có ý kiến cho rằng, đây vấn đề nhạy cảm, cần được cân nhắc kỹ để bảo vệ bí mật đời tư đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, đây không phải là bí mật cá nhân, bí mật gia đình, mà công khai minh bạch quan hệ xã hội của công chức góp phần phòng chống tham nhũng.

Không áp dụng quy tắc với tổ chức chính trị - xã hội

Sở Nội vụ đề xuất UBND TP HCM lập Tổ kiểm tra việc thực hiện quy tắc, phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ lập biên bản, hoặc ghi âm ghi hình làm chứng cứ. Nếu cán bộ, công chức bị xác định "vi phạm", tổ kiểm tra kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý xử lý.

Tuy nhiên, chỉ quy định với cán bộ công chức cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; các cơ quan thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân. Không điều chỉnh đối với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế.

Đọc thêm