Theo Sở GTVT, lượng khách năm đầu tiên chỉ khoảng 17.700 người một ngày, không giống như dự báo trước đây là hơn 24.700 người. Sản lượng hơn không nhiều so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn.
Nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.
TP HCM đã tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo 3 mô hình BRT Nam Mỹ, BRT châu Âu, BRT châu Á cho thấy làm tuyến buýt nhanh tại thời điểm này là chưa phù hợp mà nên làm tuyến buýt chất lượng.
Trước đó, UBND TP HCM đã giao UCCI làm chủ đầu tư việc nghiên cứu và thực hiện tuyến xe buýt nhanh số 1 qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 23km, tổng số vốn khoảng 144 triệu USD. Hiện TP HCM có 3 tuyến buýt chất lượng cao hoạt động theo hình thức không trợ giá, 20.000 đồng mỗi lượt, từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm, các bệnh viện và bến xe lớn.