Cụ thể, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Nội vụ sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức theo hướng phân cấp giao thẩm quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc quyết định số lượng biên chế công chức, viên chức và số lượng vị trí việc làm; quá trình tuyển dụng công chức (đối với các trường hợp tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển) và tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trên nguyên tắc bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016;
Đổi mới nội dung và hình thức, cách tính điểm trong thi tuyển và xét tuyển công chức, viên chức nhằm đánh giá đúng năng lực của ứng viên, đảm bảo chọn được người phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ phân loại đánh giá công chức, viên chức hàng năm cho thống nhất và đồng bộ với quy định của Đảng về phân loại đánh giá đảng viên; sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính;
"Cho phép điều động, chuyển công tác viên chức giữa các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời quy định cụ thể khi viên chức chuyển công tác từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không phải giải quyết chế độ thôi việc; quy định chế độ chính sách, cơ chế quản lý đối với cán bộ, công chức cấp xã phù hợp thực tiễn…", UBND TP HCM đề xuất thêm.
UBND TP cũng kiến nghị các giải pháp để tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hai Luật này nhằm nâng cao nhận thức của người làm công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện luật và các văn bản liên quan...