TP HCM 'mạnh tay' lập lại trật tự xây dựng

Trước tình hình vi phạm tràn lan về trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM, ngày 30/7, UBND Thành phố đã tổ chức “Hội nghị triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả nhà nước về trật tự xây dựng” nhằm đánh giá, nhận định về thực trạng, đưa ra các giải pháp lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn. 
TP HCM 'mạnh tay' lập lại trật tự xây dựng

Loạn vi phạm trật tự xây dựng

Theo báo cáo của sở Xây dựng TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố có gần 7.000 công trình vi phạm về xây dựng, trong đó xây dựng không phép chiếm 51,2%. Thanh tra Sở về xây dựng đã ban hành 1.156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm này, theo Sở Xây dựng là do nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp; chậm triển khai quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở; ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn thành phố rất lớn.

Từ đó xuất hiện một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh hoặc phân chia một căn nhà thành nhiều căn nhỏ và thực hiện mua bán dưới hình thức giấy tay và lập vi bằng…

Bên cạnh đó, việc chính quyền cấp cơ sở quản lý lỏng lẻo, một số cán bộ, công chức chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, xử lý không kiên quyết, không triệt để, có tiêu cực... Trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, cấp xã còn khác biệt.

Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới như Nam thành phố, Thủ Thiêm, Tây Bắc, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao chưa thường xuyên gửi kế hoạch kiểm tra, giấy phép xây dựng, quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình để Thanh tra Sở Xây dựng và UBND cấp xã nơi có công trình phối hợp kiểm tra. 

Vấn nạn vi phạm xây dựng đã thu hút nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, tham gia. Tham luận gửi tới hội nghị của Ban Nội chính Thành ủy thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra ở hầu hết các quận huyện như nhất là ở vùng ven như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9, Thủ Đức…

Trong khi đó, trật tự xây dựng là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay nhưng rất khó phát hiện. Trong những năm gần đây, có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ tuy nhiên chỉ có 1 trường hợp bị phát hiện và xử lý hình sự về hành vi tham nhũng. 

Đại diện UBND quận 12 thừa nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu kiên quyết trong xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, có trường hợp biểu hiện bao che sai phạm, buông lỏng quản lý dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung và gây bức xúc trong nhân dân. Trên địa bàn xuất hiện tình trạng xây dựng sai phép dưới dạng phân căn hộ, chia nhỏ diện tích để kinh doanh mua bán vi bằng, biến tướng thành chung cư mini làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, phức tạp về an ninh trật tự. 

Tương tự, theo ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, các hành vi sai phạm về sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tình trạng phân lô bán nền, xây nhà trên đất nông nghiệp để bán, lập thủ tục xin phép xây dựng, nhưng xây dựng sai phép, làm biến tướng công trình, phân thành nhà ở để bán.

Từ ngày 30/8/2016 đến nay, tổng số đảng viên vi phạm về lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng là 67 đảng viên, chiếm 51,11% so với số đảng viên bị thi hành kỷ luật (131 đảng viên). Công an huyện đã xây dựng chuyên đề về đấu tranh, xử lý đối với các đầu nậu, đối tượng phân lô, bán nền trái quy định pháp luật trên địa bàn huyện… 

Cả hệ thống phải cuộc cuộc để chấn chỉnh tình hình

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tình trạng xây dựng không phép đang có chiều hướng gia tăng nhưng có thể khắc phục được nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc trong đó phải tìm quy luật tồn tại của xây dựng không phép, sai phép để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. 

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, khi người dân có nhu cầu về nhà ở thì Thành phố phải rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, rà soát lại công tác chia tách thửa để người dân có điều kiện sở hữu hợp pháp sớm nhằm tạo lập chỗ ở. Bên cạnh đó, Thành phố phải sơ kết, tổng kết mô hình nhà trọ trên địa bàn để hướng dẫn người dân xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở trước mắt qua đó cùng với các giải pháp dài hạn tính toán phương án xây nhà ở đáp ứng mức tăng 1 triệu dân trong vòng 5 năm của Thành phố. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu những công trình đã xây dựng trái phép, không phép mà đang tồn tại cần có hướng xử lý. Từ nay trở đi, xây dựng không phép, trái phép phải được phát hiện và xử lý ngay, không để kéo dài thông qua người dân, lực lượng chuyên trách và cơ chế phối hợp của các sở ngành, UBND quận huyện. Đồng thời, xử lý lực lượng môi giới nhà ở, công trình xây dựng vi phạm trái phép. 

“Từ nay đến tháng 9/2019, các quận, huyện phải tổ chức hội nghị chuyên đề lập lại trật tự xây dựng và có cam kết cán bộ, công chức, đảng viên không làm trái pháp luật, cấp uỷ các nơi phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Những sai phạm xảy ra vừa qua phải xử lý xong trong quý 3 và 4/2019. Cùng với đó, rà soát lại quy hoạch cấp Thành phố và quận, huyện, phường, xã…”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân quán triệt. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị UBND các huyện - quận, xã - phường - thị trấn tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát và kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. 

Chủ tịch TP HCM giao Công an Thành phố khẩn trương xác minh, xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn…

Đọc thêm