Lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu tất cả các công tác phải lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính. Việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông; đảm bảo sự khách quan, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đúng hạn với cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và các quy định pháp luật có liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động riêng của từng cơ quan, đơn vị; Đảm bảo có sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, thống nhất trong suốt quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ lúc tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả giải quyết. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo qui chế, Văn phòng UBND TP, các sở ban ngành, các cán bộ, công chức, viên chức… sẽ là đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình này. Định kỳ hàng quý, các đơn vị phải báo cáo UBND TP tình hình, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính.
Thời gian qua, công tác phối hợp giải quyết các vụ việc hành chính luôn được TP quan tâm, xử lý. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp vướng mắc, chậm trễ do cơ chế, do thái độ làm việc thiếu chăm chút của cán bộ, công chức TP. Thậm chí có trường hợp, chính chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng phải ngao ngán khi phát biểu: “Tôi không dám ký vì thấy xấu hổ quá” khi kể câu chuyện hồ sơ của một doanh nghiệp bị ngâm hơn một năm rưỡi vì phải chuyển lòng vòng qua các phòng ban, trong cuộc họp với Sở Nội vụ TP để phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của Sở này vào hồi đầu năm.
Chính vì điều này, Quy chế phối hợp được Chủ tịch TP HCM thông qua, nhấn mạnh thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại từng cơ quan, đơn vị bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ và thời gian luân chuyển hồ sơ. Tổng thời gian thực hiện tại các cơ quan, đơn vị có liên quan không được vượt quá thời hạn giải quyết quy định cho thủ tục hành chính đó. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị đơn giản hóa quy trình, áp dụng các giải pháp để rút ngắn thời gian giải quyết.
Ngoài ra, là cơ quan đầu mối tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, các Sở, ban, ngành phải kiểm soát toàn bộ quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; chủ động và kịp thời đôn đốc các cơ quan phối hợp, Văn phòng UBND TP hoặc phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), đảm bảo hồ sơ được trả đúng hạn, không gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Các đơn vị khi trình UBND, Chủ tịch UBND TP hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để xem xét, quyết định theo thẩm quyền thì phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thời hạn theo quy định. Tờ trình phải thể hiện rõ ràng, cụ thể nội dung đề xuất, cơ sở giải quyết. Đối với hồ sơ phải phối hợp lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình xem xét thẩm tra, thẩm định hồ sơ thì tờ trình phải trình bày đầy đủ, rõ ràng ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan...