Trong đó, Thành phố giao Ban Giảm nghèo bền vững quận, huyện, sớm hoàn thành chỉ tiêu Thành phố đã giao đợt 2 và chủ động trình phân bổ chỉ tiêu cho vay Quỹ giảm nghèo đợt 3 (số tiền 22 tỷ đồng) cho các quận huyện khi đã giải ngân hết chỉ tiêu vốn đợt 1, đợt 2 và đang còn nhu cầu vốn.
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố, Thành phố yêu cầu khẩn trương tranh thủ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bổ sung thêm tối thiểu 200 tỷ đồng để cho vay trên địa bàn, hỗ trợ người nghèo, người lao động Thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có vốn làm ăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn, không được để hộ nghèo, cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện mà không tiếp cận được các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và Thành phố.
Các địa phương kịp thời xác nhận để Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi được cho vay đúng đối tượng theo quy định, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn.
Thành phố cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở - ngành liên quan tham mưu trình UBND Thành phố Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.
Sở chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan khẩn trương tham mưu UBND Thành phố việc tạm mượn nguồn vốn nhàn rỗi tại Quỹ 34 để chuyển sang cho vay chương trình Giải quyết việc làm, góp phần hỗ trợ người lao động Thành phố từng bước khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo UBND TP HCM, thời gian qua, UBND Thành phố cũng đã bố trí vốn ngân sách năm 2020 để ủy thác cho vay số tiền là 759 tỷ đồng (gồm: gần 491 tỷ đồng cho vay Giải quyết việc làm và 268 tỷ đồng cho vay Quỹ Giảm nghèo); 24/24 quận, huyện đã bố trí ngân sách để ủy thác nguồn vốn cho vay ưu đãi tại địa phương với số tiền là 66 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố đã tranh thủ được vốn Trung ương cấp để cho vay các chương trình. Trong đó, nổi bật là 530 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, 80 tỷ đồng để cho vay chương trình Nhà ở xã hội và 35 tỷ đồng cho vay chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Các hoạt động này đã giúp cho thêm 8.411 hộ nghèo, cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo có vốn làm ăn, cải thiện thu nhập; cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 31.544 lao động; hỗ trợ cho 278 hộ gia đình bị thu hồi đất có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định nơi ở mới. Cạnh đó, hơn 1.338 hộ gia đình học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 9.630 hộ gia đình cải tạo và xây dựng mới công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành...