TP Hồ Chí Minh: Nhan nhản bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép

(PLVN) - TP HCM đang mạnh tay kiểm tra, xử phạt nhiều hành vi liên quan đến việc vận chuyển, bến tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng không phép. Hiện tại, TP đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải không cấp mới giấy phép hoạt động bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng, chỉ giải quyết cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đủ điều kiện…
Một điểm tập kết vật liệu hoạt động trái phép ở TP HCM.
Một điểm tập kết vật liệu hoạt động trái phép ở TP HCM.

Nhiều bến bãi hoạt động lén lút

Theo ghi nhận, đến nay trên địa bàn TP HCM có 198 bến thủy nội địa được cấp giấy phép hoạt động, bao gồm 150 bến kinh doanh vật liệu xây dựng và 48 bến tập kết vật tư thi công công trình. Tuy nhiên, bên cạnh những bến bãi hoạt động nghiêm túc, không ít bến bãi lậu gây nhiều bức xúc cho người dân lẫn cơ quan chức năng.

Tại các tuyến sông rạch Gò Công, Ông Nhiêu, rạch Trau Trảu, rạch Bà Cua, thuộc quận 9, TP HCM, nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, đá, sà lan neo đậu hoạt động rầm rộ. Tương tự, hàng chục bến trái phép vẫn hoạt động tại nhiều đoạn sông Sài Gòn như chân cầu vượt Bình Phước (phường An Phú Đông, quận 12), sông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh), Kênh Xáng (huyện Hóc Môn), sông Rạch Tra (huyện Củ Chi)…

Điều đáng nói là các chủ bến nêu trên đều đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm nhiều lần và bị Sở Giao thông Vận tải TP HCM ra quyết định đóng bến từ cuối năm 2018. Thế nhưng, không hiểu sao vẫn còn nhiều bến hoạt động.

Trước vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải cho biết, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát và thống kê được 44 bến tập kết, kinh doanh liệu xây dựng hoạt động không phép trên địa bàn thành phố (trong đó 41 bến bãi thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông Vận tải và 3 bến thuộc phạm vi của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý).

Đối với 41 bến tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không phép thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông Vận tải, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở chủ trì kiểm tra xử lý. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 23 bến bãi không phép với tổng số tiền 767 triệu đồng và ban hành Quyết định đóng 8 bến, số còn lại đang tiếp tục xem xét, xử lý theo đúng quy định.

Còn đối với 3 bến thuộc phạm vi của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý, thành phố cũng đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo chức năng. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 triệu đồng, ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 bến.

Riêng tại quận 9, cơ quan chức năng cho biết đã phát hiện 6 bến thủy không có giấy phép và quyết định đình chỉ 8 bến thủy do không đủ điều kiện kinh doanh. Một số bến của Công ty TNHH MTV XD-TM-DV Nhật Phong, Công ty TNHH XD TCT, bến của các hộ Huỳnh Văn Phụng, Minh Du, Hồ Gia, Phụng Hiệp, Nam Hậu… đã bị quận đình chỉ, không cho hoạt động.

Không cấp phép hoạt động mới  

Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, để hoạt động bến bãi vào qui củ, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các bến bãi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng (cát, sỏi), UBND TP còn tập trung chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực giao thông thủy.

Kết quả trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, đã xây dựng và triển khai 16 Kế hoạch phối hợp kiểm tra trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tham gia Kế hoạch kiểm soát tải trọng tại các cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố chủ trì. Kết quả, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 915 trường hợp với tổng số tiền phạt khoảng 3,5 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, các sở, ngành thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn và cấp giấy phép ra, vào cảng, bến cho các phương tiện, nhắc nhở chủ phương tiện, thuyền trưởng và người điều khiển phương tiện duy trì các điều kiện an toàn trong quá trình hoạt động.

Ngoài ra, vận động 100% chủ cảng, bến ký bản cam kết kiểm soát tải trọng công khai tại cảng, bến và lập hồ sơ theo dõi chất xếp hàng hóa lên phương tiện thuỷ và xe cơ giới. Kết quả, đã xử lý 848 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 653 triệu đồng.

TP cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về trật tự an toàn giao thông đường thủy thành phố, thành phần gồm: Ban An toàn giao thông thành phố, Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an thành phố, Phòng Quản lý giao thông đường thủy - Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải... 

Trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, định kỳ hàng Quý, Đoàn kiểm tra liên ngành đều lập kế hoạch để phối hợp tuyên truyền pháp luật kết hợp với kiểm tra các bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm đều được Đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản và bàn giao xử lý theo quy định... 

Hiện tại, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải không cấp mới giấy phép hoạt động bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng, chỉ giải quyết cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Đọc thêm