TP Hồ Chí Minh tiếp tục có giải pháp hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19

(PLVN) - UBND TP Hồ Chí Minh vừa cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phấn đấu đến cuối tháng 6/2020, Thành phố tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.
Qua đợt dịch Covid-19, hàng loạt mặt bằng, nhà cho thuê rơi vào cảnh thê thảm

Trước đó, theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH TP Hồ Chí Minh, địa phương có gần 250.000 người lao động tự do bị mất việc làm, đến nay, đã chi hỗ trợ cho 134.500 người (54%) với tổng số tiền 134,5 tỷ đồng. Đối với người có công với cách mạng (gần 32.700 người); diện nghèo, cận nghèo (110.800 người); diện bảo trợ xã hội (124.000 người), việc thực hiện hỗ trợ đạt gần 100%.

Ngoài việc tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42, UBND Thành phố khẳng định, địa phương sẽ xây dựng nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại, phát triển và tránh phá sản.

Đồng thời, xây dựng nhóm giải pháp mời gọi sự chung tay, tiếp sức của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Thành phố giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng đôi bên cùng có lợi trong hợp tác như hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu mới, tìm thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề…

Đặc biệt, Thành phố xây dựng nhóm giải pháp khuyến khích chuyển đổi số, kinh tế số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử. Thành phố cam kết có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới máy móc, thiết bị, số hóa dữ liệu… thông qua chương trình cho vay kích cầu của Thành phố...

Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2020, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã cấp phép thành lập mới cho gần 13.700 doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay giảm hơn 14%.
Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 180.000 tỷ đồng, so với tổng vốn đăng ký năm ngoái cũng giảm hơn 30%. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng giấy phép là gần 9.800 lượt, chiếm hơn 71% và giảm 14%; với số vốn đăng ký gần 134.000 tỷ đồng, chiếm hơn 74% và giảm 33,5%.

Đọc thêm