TP.Hồ Chí Minh "tắc nghẽn" một mô hình thí điểm

 Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc của Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất Quận 10 (nay là Công ty Cổ phần Địa ốc 10) ở quận 9, TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 15/3/2001 theo Quyết định số 282/QĐ-TTg. Có diện tích hơn 78,5ha, nhưng việc triển khai dự án lại đang bị đình trệ do sự tranh chấp chỉ 160m chiều dài đất làm đường.
Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc của Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất Quận 10 (nay là Công ty Cổ phần Địa ốc 10) ở quận 9, TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 15/3/2001 theo Quyết định số 282/QĐ-TTg. Có diện tích hơn 78,5ha, nhưng việc triển khai dự án lại đang bị đình trệ do sự tranh chấp chỉ 160m chiều dài đất làm đường.
 

10 năm “chờ” thông đường   

Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc là mô hình thí điểm đầu tiên của TP.HCM kêu gọi đầu tư với phương thức 1 chủ đầu tư chính và 8 nhà đầu tư thứ cấp khác cùng tham gia. Đây là một trong những đô thị có qui mô lớn và hiện đại, gồm nhiều khu biệt thự vườn, nhà liên kế, chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, công viên du lịch, trường học...

Các nhà đầu tư đã vượt qua những khó khăn khách quan, tận dụng hết năng lực cũng như tranh thủ điều kiện thuận lợi để quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đưa ra. Đến thời điểm này, dự án đã đền bù giải tỏa được 95% tổng diện tích, thi công hạ tầng kỹ thuật 75%, xây hoàn tất 2 cây cầu, cải tạo xong môi sinh - môi trường 1 rạch nhánh.

Theo quy hoạch chi tiết, dự án có 3 tuyến đường chính: Tuyến Bắc Nam đã xây dựng xong 100%; Tuyến Ven Sông 60%; và Tuyến Đông Tây, là tuyến đường xương sống của dự án, rộng 30m, nối từ dự án ra Xa lộ Hà Nội, thi công được 70% thì dừng lại vì vướng tranh chấp một phần đất dài 160m, rộng 30m (khoảng 4.800m2) mà tuyến đường này phải đi qua.

Sự tranh chấp bắt đầu từ những năm 2003 – 2004 giữa ông Trương Quang Vĩnh (Công ty Vĩnh Lộc) với Công ty CP Phát triển Hàng Hải (là nhà đầu tư thứ cấp của dự án). Công ty CP Địa ốc 10 đã nhiều lần phối hợp với UBND phường Phước Long A, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 9 tiến hành kiểm kê phần đất trên, nhưng ông Vĩnh đã rào chắn lại, cản trở không đồng ý cho đoàn kiểm kê. Vấn đề trên được nhiều cơ quan chức năng của quận 9 và TP.HCM vào cuộc để giải quyết trong một thời gian dài.

Chỉ đạo của UBND thành phố bị “vô hiệu”

Đến ngày 9/11/2010, Phó Chủ tịch  Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8186/VP-PCNC như sau: “… Để không ảnh hưởng tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại dự án và xét đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, thuận cho phép UBND quận 9 bàn giao trước phần diện tích làm đường giao thông cho chủ đầu tư để thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt; giao UBND quận 9 làm việc với các bên tranh chấp để thông báo việc bàn giao mặt bằng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư gửi tiền bồi thường vào tài khoản ngân hàng để chờ kết quả giải quyết tranh chấp. Trường hợp đã vận động, thuyết phục nhưng các cá nhân, đơn vị có liên quan không chấp hành thì giao UBND quận 9 tổ chức cưỡng chế thu hồi đất; việc cưỡng chế (nếu có) phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, chặt chẽ và đúng pháp luật”.

Ngày 28/12/2010, Hội đồng Bồi thường dự án đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND quận 9 kiêm Chủ tịch Hội đồng BTDA và đi đến kết luận: “Thống nhất giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Ban BTGPMB, UBND phường Phước Long A và chủ đầu tư làm việc với các bên tranh chấp, thông báo việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp”.

Tuy nhiên, đã hơn 8 tháng trôi qua, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng để tiếp tục xây dựng tuyến đường Đông Tây. Gần như việc thi công hạ tầng kỹ thuật bên trong dự án đều bị ngưng lại nhiều năm nay vì không có đường vận chuyển vật tư vào, do bị tắc đường khi cầu Rạch Chiếc (nằm gần dự án) khởi công, gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà đầu tư.

Tiến sĩ Mai Di Tám – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc 10 tâm sự: “Bắc Rạch Chiếc  là một dự án  lớn, 10 năm qua chúng tôi cố gắng hợp sức cùng nhau thực hiện, nhưng vì sự tranh chấp nhỏ trên mà làm toàn bộ dự án trì trệ là một tổn thất về nhiều mặt. Do vậy, mong muốn của chúng tôi là được các cơ quan chức năng liên quan nhiệt tình hỗ trợ, quyết liệt hơn nhằm nhanh chóng giao mặt bằng để chúng tôi tiếp tục thi công tuyến đường huyết mạch này, hoàn thành nhiệm vụ với các nhà đầu tư thứ cấp theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và cũng là để dự án sớm hoàn thành, đi vào phục vụ cho đời sống của 18.000 cư dân”.

Lê Minh Hùng

Đọc thêm