Người phụ nữ bước vào phòng tham vấn với một nét mặt u buồn thảng thốt, trong quá trình chuyện trò với chuyên gia, chị luôn miệng nhắc "trả con cho em!".
Câu chuyện của chị có lúc không liền mạch do bị xúc động quá mạnh, có lúc đứt quãng bởi tiếng khóc nức lên, có lúc bình thản trở lại một cách bi quan và chán chường càng khiến người đối diện hiểu được tâm trạng khát khao gặp lại con của chị."
Cô con dâu không được chào đón
Chị tên Thu, năm nay 29 tuổi. Thu sinh ra và lớn lên ở một thị trấn của tỉnh Hà Nam, gia đình khá giàu có. Bố mẹ chị làm nghề buôn bán, các anh chị của Thu ai cũng có cơ ngơi là những cửa hàng kinh doanh rất lớn ở phố huyện này. Tốt nghiệp trung cấp kế toán, hình thức bình thường, có công việc ổn định, năm 25 tuổi, Thu quen một người con trai tên Hoàng hơn Thu 6 tuổi làm bác sĩ ở phòng khám gần nhà qua chị gái của mình. Hai người tự tìm hiểu nhau, có sự tác động thêm của chị gái nên sau một năm tìm hiểu, Thu và Hoàng tổ chức đám cưới trong sự vui mừng của gia đình và hạnh phúc của Thu.
Về phía nhà Hoàng, gia đình anh ở một huyện của tỉnh Ninh Bình. Bố là bộ đội về hưu, mẹ là giáo viên cấp I, có hai em đang học cao đẳng và đại học ở Hà Nội. Hoàng là ngôi sao sáng của bố mẹ, là niềm tự hào của cả gia đình về trình độ, hình thức, tính tình...
Ngày Hoàng dẫn Thu về ra mắt cũng là ngày cô nhận được thái độ chê bai thẳng thắn của mẹ Hoàng. Bà nói thẳng Thu không xứng đáng với con bà về mọi mặt. Rằng gia đình bà gia giáo nên không muốn kết thông gia với những gia đình làm ăn buôn bán, không môn đăng hộ đối về kinh tế và quan điểm sống. Hơn nữa, con trai bà đã có một đám là giáo viên chờ đợi rồi, bà không muốn chấp nhận ai khác. Như gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt, Thu không kịp phản ứng, chỉ biết đón nhận sự khinh khi và xúc phạm của mẹ Hoàng. Ngay sau câu chuyện mà mẹ Hoàng nói với Thu, Thu xin phép ra về trong nỗi ê chề đau khổ, cảm giác bị xúc phạm nặng nề. Còn Hoàng, anh chỉ biết nói duy nhất một câu, mẹ đừng nói với cô ấy như thế!
Không cần Hoàng phải đưa về, Thu tự mình trở về quê. Ngay sau đó, Hoàng cũng trở lại Hà Nam. Anh xin lỗi Thu và nói vợ con là chuyện do anh quyết định dù bố mẹ có can ngăn cũng không quyết định thay được. Thu tin vào sự quả quyết của Hoàng nên hai người lại tiếp tục tình cảm và đám cưới diễn ra đúng như Hoàng hứa hẹn.
Đám cưới miễn cưỡng diễn ra khi không được sự đồng ý của bố mẹ chồng nên mọi khâu chuẩn bị cho đám cưới hầu như nhà Thu đứng ra lo liệu, bên nhà trai đến ngày ăn hỏi và đám cưới thì một vài người họ hàng có mặt đến nhà gái cho đủ thủ tục. Thu về nhà chồng trong sự ghẻ lạnh của cả gia đình, không ai coi sự có mặt của Thu trong gia đình họ. Cô rất buồn và đau khổ. Sau đám cưới hai vợ chồng trở lại Hà Nam thuê nhà sinh sống. Hoàng cũng bị bố mẹ ghẻ lạnh rất nhiều.
Rất ưng ý anh con rể có trình độ, học thức, lại thương con gái út lấy chồng không được bố mẹ chồng giúp gì về kinh tế, bố mẹ Thu ra sức bù đắp cho con gái. Nào tủ lạnh, tivi, xe máy, tiện nghi sinh hoạt gia đình cùng nhiều tiền bạc bố mẹ và các anh chị của cô tặng cho cô út rất nhiều nên đôi trẻ có đầy đủ mọi thứ. Chưa kể, hàng ngày thấy con gái đi làm lương thấp, bố mẹ anh chị tiếp tục chu cấp cho Thu. Hai vợ chồng cứ sống bằng nguồn trợ cấp nhà ngoại mà không phải lo nghĩ gì.
Thu không biết chồng mình nghĩ gì nhưng chưa bao giờ anh đưa cho Thu tiền lương của anh cũng như một thu nhập nào khác. Có lần cô hỏi thì anh nói anh đang tiết kiệm để dành tiền ấy mua nhà, bây giờ cứ sống bằng thu nhập của em cũng đủ. Từ đó Thu không bao giờ hỏi chồng một câu nào nữa về tiền nong.
Nhiều lần buồn chán vì sự không chấp nhận của gia đình chồng, Thu nói với chồng hay chia tay nhau để anh đỡ bị gia đình từ bỏ, để em đỡ bị bố mẹ anh khinh ghét, mỗi lần Thu tỏ ra buồn chán hay đòi ly hôn, Hoàng lại động viên cô: "Dù bố mẹ anh có chê em như thế nào, nhưng anh đã chọn và lấy em làm vợ, sao em cứ đòi chia tay cho mệt mỏi nhỉ?". Có câu nói đó của chồng, Thu vững tin hơn nhưng mỗi lần để củng cố lòng tin cho mình rằng hạnh phúc của cô vẫn đang hiện hữu, Thu lại đòi ly hôn để được nghe câu nói cương quyết của chồng. Cứ như thế không biết bao nhiêu lần Thu đòi ly hôn.
Cưới nhau được hơn một năm, Thu sinh con gái đầu lòng, ông bà nội yêu quý cháu nhưng vẫn không chấp nhận con dâu. Nhiều lần về quê, bực bội vì thái độ của mẹ chồng, Thu cũng tỏ thái độ bất cần và cãi láo với bà. Mâu thuẫn và khoảng cách giữa mẹ chồng nàng dâu ngày càng lớn. Mẹ chồng Thu càng có cớ để ghét con dâu hơn.
Tết năm 2008 cũng là năm mà mẹ chồng nàng dâu có những xung đột nặng nề. Sau mỗi lần mẹ con bất hòa, chồng Thu lại lặng lẽ hơn. Anh góp ý với vợ nhưng Thu không nghe, cô nghĩ mình không sai nên không chịu xin lỗi mẹ chồng và tỏ ra ương bướng. Có lẽ bản tính ngang bướng có sẵn cộng với tính cách của một cô gái con út trong gia đình có điều kiện vốn được chiều chuộng nên Thu không chịu nhường nhịn ai. Thấy chồng không bênh mình, lại còn chỉ trích vợ, Thu quay sang chê trách chồng, nói chồng là thằng hèn.
Giọt nước tràn ly
Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng nảy sinh nhiều, một đêm Hoàng đi uống rượu với bạn bè về, người anh đầy mùi bia rượu. Hoàng bị say nên nôn hết ra chăn chiếu khiến Thu bực bội cằn nhằn chồng là "nốc cho lắm vào". Anh nhờ Thu rót cho cốc nước nhưng Thu không rót, càng nói chồng những câu nặng nề hơn. Như giọt nước tràn ly, chồng Thu lẳng lặng đứng dậy, anh bế con lên, ấp thêm áo ấm cho con rồi mở cửa bước ra ngoài.
Thu hỏi anh đi đâu đấy, Hoàng trả lời anh bế con đi mua nước lau nhà. Rồi hai bố con đi luôn không quay trở lại nữa. Bối rối, lo lắng, thương con và áy náy với chồng, Thu gọi điện nhưng thuê bao đã ngoài vùng phủ sóng. Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa và nhiều ngày sau đó, Hoàng không bế con quay trở về khiến cô hoang mang và hoảng sợ tột cùng. Thu gọi điện về quê cho bố mẹ chồng chỉ nhận được câu trả lời không biết, không thấy bố con nó về quê.
Cô điện, tìm kiếm khắp nơi nhưng đều nhận được câu trả lời không biết, không gặp. Cô bơ vơ, cô độc, thấm thía cảm giác cô đơn, cần chồng cần con nhưng không tìm kiếm được chồng con ở đâu. Lặn lội về quê chồng, bố mẹ chồng lạnh nhạt: "Chị sống thế nào mà để con cháu tôi phải bỏ đi giữa đêm khuya", mặc cho Thu khóc lóc, giãi bày ông bà không nghe, một mực bảo nó không về nhà và chị phải chịu trách nhiệm nếu bố con nó xảy ra việc gì.
Đau khổ tột cùng vì xa con và nhớ con, Thu lồng lên như con thú bị cướp mất con, cô lao đi tìm chồng, tìm con, càng tìm càng không thấy. Quay quắt vì nhớ con, đứa bé mới hơn 2 tuổi, chưa một ngày mẹ con phải xa nhau nên mỗi ngày qua đi, Thu như điên như dại. Hàng xóm không ai hiểu được tại sao, họ không thấy vợ chồng Thu to tiếng cãi vã, chỉ thấy sự vắng mặt bất thường của bố con Hoàng nên đâm ra xì xèo bàn tán.
Người bình luận rằng chắc Thu cậy nhà có của nên khinh chồng, coi thường chồng khiến chồng phải tự ái mà bế con bỏ nhà ra đi; Có người lại nói chắc là chồng cô có bồ, chán ngấy cô vợ xấu xí nên mới bỏ đi như vậy... Mỗi câu nói, mỗi lời bình luận ra vào, mỗi lời khuyên can của bất cứ ai dù là của người ngoài hay của người thân càng khiến Thu như bị sát muối vào lòng.
Đang đau khổ vì nỗi nhớ con quay quắt thì bất ngờ Thu nhận được điện thoại của chồng từ một số điện thoại rất lạ. Rất bình thản, Hoàng nói rằng anh đang cho con đi chơi ở miền Nam, hẹn Thu 2 ngày nữa vợ chồng con cái đoàn tụ ở bến xe miền Đông. Dù cuộc điện thoại kéo dài chưa đầy một phút với nội dung vẻn vẹn như trên rồi lại mất liên lạc luôn sau đó nhưng cô vẫn mừng như người chết đi sống lại.
Thu bắt xe đi miền Đông ngay, cô chỉ sợ chậm một phút thôi sẽ không còn gặp lại chồng lại con nữa. Sau hai ngày ngồi xe đò vào tới bến xe miền Đông, một mình cô bơ vơ, lang thang tìm kiếm không thấy bóng dáng chồng, con đâu. Gọi điện cho chồng thì thuê bao vẫn không liên lạc được. Cứ thế, cô lang thang như kẻ ăn mày ở bến xe miền Đông một tuần liền, lúc nào cũng bàng hoàng như chồng con bỗng dưng xuất hiện trước mắt mình. Càng tìm càng không thấy, hẫng hụt, mất phương hướng, bế tắc và nỗi nhớ con day dứt càng hành hạ cô.
Hai tháng xa con, hai tháng quay quắt nhớ. Ai đã từng làm mẹ hẳn hiểu được cảm giác đau khổ tột cùng của cô. Cô thuê thám tử để lần theo số điện thoại của chồng cũng không tìm ra được anh ở đâu. Trong lúc bi quan, tuyệt vọng nhất, không còn hy vọng gì nữa, Thu đành về quê quỳ xin bố mẹ chồng, nếu biết chồng cô ở đâu xin ông bà hãy nói với anh ấy rằng nếu anh không còn yêu thương cô và muốn bỏ cô, cô chấp nhận hết, kể cả việc anh nuôi con, miễn sao anh cho cô được gặp con một lần nữa cũng được. Mọi lời nói của cô như gió thoảng, nỗi đau khổ của cô không ai xót thương, cô tiếp tục bị hành hạ bởi nỗi nhớ con quằn quại.
Thu trách mình, dằn vặt bản thân, hận mình đã không biết giữ hạnh phúc... cứ thế, cô như phát điên lên. Không một ai, không một lời động viên nào lúc này có thể làm cô vơi bớt nỗi nhớ con. Đã hai lần quẫn trí Thu tìm đến thuốc ngủ tự tử, nhưng rồi khao khát được gặp lại con không cho phép cô uống, cô muốn được gặp con một lần nữa trước khi chết... cứ thế, cứ thế, cô sống trong nỗi đau khổ khép kín hành hạ.
Buổi trò chuyện với chuyên gia chỉ giúp cô bình tâm hơn phần nào và kiên trì hơn, bản lĩnh hơn để chờ đợi, chứ chưa giúp được cô vơi nỗi nhớ con. Thu khóc, có lúc lại thảng thốt bàng hoàng như thể đứa bé vừa bị giằng khỏi tay cô. Thu như con thú bị thương, bị giằng giặt mất đứa con, bản năng làm mẹ khiến cô trở nên hoang dại. Không ai dám nói trước, với nỗi đau khổ và nỗi nhớ con giằng xé như thế này cô có thể bình tâm được bao lâu nữa. Không liều thuốc nào, không vị bác sĩ nào có thể khẳng định có thể giúp cô lúc này ngoài chính cô phải bình tĩnh hơn để chấp nhận thực tại một cách đau đớn.
Theo Đời Sống Gia Đình