Biết chồng nhiều lần chỉ mua mỗi quà cho bên nội, Thủy khó chịu. Từ đó, hễ thấy chồng sắm sửa cho nhà nội cái gì, cô cũng mua cho bên ngoại thứ ấy.
Hồi mới cưới, Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy chồng rất tận tâm với bố mẹ, em gái, họ hàng thì lấy làm tự hào. Thủy tâm sự, người chồng có trách nhiệm như thế chẳng dễ kiếm. Tuy nhiên, sau này chính đức tính này của chồng khiến cô khó chịu vì chồng Thủy chỉ nhiệt tình với bên nội.
Bố vợ ốm, chồng Thủy đưa cô về thăm hỏi qua quýt rồi đi luôn vì “còn phải tổ chức sinh nhật cho em gái”. Thủy ấm ức: “Bố đang ốm mà anh còn lo vui chơi” thì chồng cáu: “Bố ho nhẹ thôi. Có gì đâu”. Sau đó, Thủy thấy chồng đi luôn. Có lần, Thủy bàn với chồng cho em trai vay tiền mua xe nhưng chồng cô lờ đi. Bên nhà vợ có giỗ chạp, anh cũng ngại đến hoặc đến với vẻ miễn cưỡng.
|
Có vấn đề gì phải công khai bàn bạc. Không nên tính toán thiệt hơn thái quá |
Trước kia, Thủy cũng rất xởi lở với nhà chồng. Tuy nhiên, từ ngày biết chồng chỉ “bo bo” nghĩ đến nhà mình, cô ấm ức. Đối với công việc nhà chồng, Thủy không còn mặn mà như trước. Chuyện quà biếu nhà chồng, cô cũng rất hạn chế.
Tương tự Thủy, Hồng (Bình Dương) “trả đũa” chồng bằng cách không chủ động thăm hỏi, biếu quà bên nội. Cô hay viện cớ bận, mệt để tránh về nhà chồng. Đến khi chồng Hồng giận thì cô nói luôn: “Anh cũng có quan tâm đến nhà em đâu. Bao giờ anh yêu thương bên ngoại thì em mới nhiệt tình với bên nội”.
Hồng cho biết, trước kia cô không “xấu tính” như thế. Khi kết hôn, Hồng đã xác định bên nội hay bên ngoại cũng là nhà mình. Tuy nhiên, khi biết chồng hay “thiên vị” bên nội, có thời gian rảnh là đưa vợ về ông bà nội rồi mua sắm, ăn uống. Trong khi bên nội kinh tế rất khá. Còn bên ngoại thì eo hẹp, mẹ Hồng đau dạ dày, thuốc thang liên miên nhưng chẳng bao giờ thấy chồng hỏi han hay có ý định mua thuốc cho mẹ nên cô chán nản. Sau đó, Hồng tự quyết định hàng tháng trích lương, mua quà báo hiếu bố mẹ mình, còn bố mẹ chồng thì mặc kệ. “Đã vậy thân ai người nấy lo” – Hồng nói.
Sứt mẻ vì ‘nhà anh – nhà tôi’
Thiên vị nhà mình là tâm lý phổ biến. Do đó, không nên vội phán xét bạn đời ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bên nội vì biết đâu, bản thân người vợ cũng như thế. Điều nguy hiểm nhất là chỉ biết nghĩ cho ruột thịt của mình mà không đoái hoài đến gia đình còn lại. Khi ấy, người bạn đời sẽ nghĩ là nhà mình không được yêu thương, tôn trọng; chồng (vợ) mình quá ích kỷ… Từ đó, sinh ác cảm và tìm cách “trả đũa”.
Việc “trả đũa” dù vì lý do nào cũng không mang lại kết quả tốt đẹp. Người chồng khó thay đổi lại suy diễn vợ mình xấu tính, không làm tròn trách nhiệm làm dâu… Hoặc có khi chuyển sang “hoạt động” bí mật hay tỏ thái độ bất cần. Lúc đó, tình hình không được cải thiện mà quan hệ vợ chồng thì càng khoét sâu rạn nứt.
Muốn chồng tự giác quan tâm đến bên ngoại, người vợ cần làm gương trước. Nếu chồng quá thiên vị, hãy nhắc nhở, chia sẻ để chồng hiểu và biết cách điều chỉnh. Có thể tạo điều kiện để chồng gần gũi hơn với nhà vợ, vì suy cho cùng, đàn ông cũng không dễ thân thiện và hòa đồng như phụ nữ.
Với những khoản đối nội – đối ngoại, vợ chồng cần thống nhất ngay từ khi chung sống. Có vấn đề gì phải công khai bàn bạc. Không nên tính toán thiệt hơn thái quá.
Theo Me&be