Trách nhiệm của báo chí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay (21/6), kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021). Suốt tuần qua, những người làm báo đã được sống trong không khí tự hào, được tôn vinh; đồng thời cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình.
Hình minh họa
Hình minh họa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – một nhà báo vĩ đại cho rằng, chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí là con người, vì vậy xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Theo Người, nhà báo, trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung với Đảng, với nhân dân.

"Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Bác nhắc nhở các nhà báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Quần chúng nhân dân là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí.

Người làm báo Việt Nam là cán bộ, đảng viên phải tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, như Kết luận mới nhất của Bộ Chính trị. Người làm báo Việt Nam có quyền tự hào lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại. Học tập Bác đối với người làm báo Việt Nam là học tập tính trung thực trong tác nghiệp báo chí, theo cách “Chân đi, tay sờ, mắt thấy, tai nghe”.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu những người làm báo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, cũng là yêu cầu đội ngũ người làm báo Việt Nam phải nhanh chóng, kịp thời, trung thực, chính xác, bám sát thực tế sinh động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; định hướng chính sách, tạo sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; truyền đi những thông điệp góp phần làm an lòng dân, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tinh thần chỉ đạo chung là phải làm cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân cùng giám sát kiểm tra và dân thụ hưởng thành quả của truyền thông; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối; biểu dương, khuyến khích, nhân rộng hành động, nghĩa cử cao đẹp, truyền cảm hứng cho xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin thù địch, bóp méo, xuyên tạc, sai sự thật.

Báo chí với vai trò và vị trí đặc biệt, có trách nhiệm vô cùng lớn lao trong việc thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật đi sâu vào tư tưởng, đời sống, thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề, cơ hội và thách thức đang đặt ra. Tuy nhiên với lịch sử, truyền thống đáng tự hào, báo chí Việt Nam chắc chắn tiếp tục phát triển cùng đất nước, vì đất nước.

Đọc thêm