Bất minh trong việc nhập khẩu dược liệu Trung Quốc
Những sai phạm trong cách làm ăn của doanh nghiệp dược Sơn Lâm được hé lộ sau khi lô hàng 65 tấn dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn vào cuối tháng 9/2015 bị buộc tái xuất vì không có giấy chứng nhận chất lượng và nhãn mác mập mờ không đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Sự việc chỉ được phát hiện khi lực lượng C74 Bộ Công an phối hợp với hải quan tỉnh Lạng Sơn bất ngờ kiểm tra. Trước tình thế đó, ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm buộc phải chủ động làm đơn xin tái xuất lô hàng.
Không những thế, tại kho của công ty này còn chứa hàng trăm tấn dược liệu, vị thuốc đông y đã thông quan trong thời gian trước đó. Thế nhưng, Sở Y tế Hà Nội do ông Nguyễn Khắc Hiền làm giám đốc là đơn vị quản lý trực tiếp Công ty CP Dược Sơn Lâm lại trậm trễ kiểm tra xử lý đến khó hiểu.
Điều đặc biệt trong vụ việc 65 tấn dược liệu bị buộc tái xuất, phía Công ty CP Dược Sơn Lâm không được cấp giấy phép nhập khẩu thế nhưng doanh nghiệp này vẫn giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc và vận chuyển hàng đến cửa khẩu biên giới, làm thủ tục thông quan vào thị trường Việt Nam.
Khi sự việc vỡ lở, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội không có văn bản đề nghị phía hải quan, công an phối hợp điều tra xử lý doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Dược Sơn Lâm còn mắc phải hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng khác trong việc bảo quản và chế biến dược liệu, vị thuốc.
Được biết, trụ sở của công ty nằm tại địa chỉ số 70, tổ 5, khu Chợ, thị trấn Văn Điển. Tại trụ sở Công ty có nhà kho được cấp giấy phép làm kho dược liệu của Sở Y tế Hà Nội nhưng lại không đủ tiêu chuẩn quản lý và bảo quản dược liệu theo quy định GPS do Bộ Y tế ban hành sau đợt kiểm tra mới đây.
Kho này do ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kí cấp phép.
Ngoài ra, Công ty CP Dược Sơn Lâm còn hai kho thuốc khác không có giấy phép làm kho lưu trữ dược liệu. Kho thứ nhất đặt trong khuôn viên Nhà Văn hóa tổ 5 với quy mô khoảng 100 tấn. Tại đây, công tác chế biến và bảo quản dược liệu diễn ra thủ công khi dược liệu được phơi dưới nền đất, xung quanh có nhiều xe cộ đi lại bụi bặm, công nhân làm việc cũng không có găng tay bảo hộ, dẫm đạp lên thuốc…
Kho thuốc thứ hai nằm tại tầng 3 của chợ thương mại thị trấn Văn Điển. Tại đây, có nhiều bao dược liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhãn mác trùng hợp với nguồn gốc của 65 tấn hàng bị buộc tái xuất ở cửa khẩu Chi Ma.
Cả hai kho thuốc này đều không có giấy phép làm kho dược liệu nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Được biết, theo phân công ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phụ trách quản lý về dược liệu. Tuy nhiên việc các kho thuốc không phép vẫn ngang nhiên tồn tại, chất lượng dược liệu bị thả nổi.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Cách còn khẳng định với báo chí: “Trong thời gian tới chúng tôi còn tiếp tục nhập thêm 300 tấn dược liệu, vị thuốc từ Trung Quốc chứ không chỉ có 65 tấn vừa rồi thôi đâu”.
Trách nhiệm quản lý
Trong khi đó, thị trường thuốc đông y đang bị hỗn loạn, luôn trong tình trạng thiếu dược liệu vị thuốc hoặc giá bị đội lên cao, chất lượng kém. Để dược liệu, vị thuốc được lưu thông tại thị trường Việt Nam thì phải tiếp tục được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền xác nhận vào giấy C/O. Nhưng cho đến nay, chỉ duy nhất Công ty CP Dược Sơn Lâm được Cục chứng nhận giấy C/O.
Trước tình trạng này, ngày 26/10, nhiều cơ quan báo chí có mặt tại trụ sở Sở Y tế Hà Nội liên hệ với ban lãnh đạo yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tới sai phạm của Công ty CP Dược Sơn Lâm nhưng đơn vị này không hợp tác làm việc. Khi liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Khắc Hiền không thấy vị này phản hồi lại.
Đúng theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý nhà nước, từ những bằng chứng về sự việc 65 tấn dược liệu, vị thuốc của doanh nghiệp Sơn Lâm được cơ quan chức năng phanh phui, dư luận bức xúc thì Sở Y tế Hà Nội phải phối hợp chỉ đạo làm rõ.
Nhưng từ khi xảy ra sự việc đã gần 1 tháng, với những sai phạm rõ ràng nhưng ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà vẫn chưa có động thái phối hợp với cơ quan chức năng, tham mưu cho cơ quan chuyên môn cấp trên để làm sạch thị trường dược liệu.
Không những thế, ông Hiền và các lãnh đạo của Sở Y tế Hà Nội còn có biểu hiện né tránh, không cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí theo đúng quy chế phát ngôn về sự việc của công ty CP Dược Sơn Lâm với nhiều lý do khác nhau mà cơ quan này đưa ra.
Được biết, ngày 23/10 Sở Y tế Hà Nội đã cử một đoàn xuống làm việc với lãnh đạo Công ty CP Dược Sơn Lâm theo đơn thư phản ánh của người dân. Kết quả chỉ được đoàn thanh tra nói rằng doanh nghiệp này có nhiều sai phạm rồi lại đi về trong lặng lẽ, cho tới nay chưa công khai kết quả.