Ba đời bám biển vẫn nghèo
Với 192km bờ biển cùng những danh thắng sơn thủy hữu tình mà thiên nhiên đã ban tặng cho Bình Thuận là tiềm năng thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch tại địa phương. Tuy nhiên những làng chài ven biển của Bình Thuận, cư dân đa số vẫn còn nghèo khó, nghề chính của họ là chài lưới, đánh bắt hải sản theo phương pháp thủ công. Trong điều kiện thời tiết nhiều bất trắc, nguồn hải sản không còn dồi dào nên đời sống kinh tế của người dân gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Tùng (64 tuổi, trú tại thôn Ba Đăng, xã Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận) tâm sự: “Tôi đi biển từ lúc 15 tuổi, gần 50 năm theo nghề ngư phủ đã trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió, nhiều lần chống chọi với áp thấp, với bão giữa biển khơi để bảo vệ an toàn tính mạng và ghe thuyền... Hiện 3 người con trai của tôi đã có gia đình và cũng đang đi biển, 2 cô con gái có chồng cũng làm nghề biển. Gia đình chúng tôi đã hơn 3 đời bám biển”.
Cứ thế, đời cha truyền nghề cho đời con, lớp sau nối tiếp lớp trước giong thuyền ra khơi đánh bắt. Khi cánh đàn ông ra khơi thì những phụ nữ sẽ quán xuyến việc nhà, bán buôn vặt vãnh, đan lưới và chăm sóc con cái. Những bà vợ này là trụ cột của gia đình, họ chỉ mong thuận buồm xuôi gió để khi chồng con họ trở về thuyền đầy ắp cá. Và đấy cũng là niềm vui chung của mọi người trong làng.
|
Ngư dân làng chài Bình Tân, thi xã La Gi đang xẻ cá để phơi |
Chị Lê Thị Thơm (45 tuổi) có chồng đi biển, ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái, con trai lớn học hết lớp 5 rồi nghỉ, theo cha đi biển, 2 đứa nhỏ một trai đang học lớp 4 và bé gái học lớp 1. Chị chia sẻ về nỗi niềm của người vợ khi chồng “sống khơi hơn sống nhà”: “Hai cha con ổng đi biển có lúc hơn tháng mới vào bờ, ở nhà chỉ còn mấy mẹ con quấn quýt bên nhau, lúc rảnh tranh thủ đan lưới, lo ăn uống, học hành cho các con...
Vào vụ cá Nam, ổng đi đánh bắt gần bờ vài ba ngày là về, chuyến đi biển nào trúng bà con trong làng vui lắm, tập trung đến rồi chia phần đem ra chợ bán. Thời gian trái vụ cá Nam, thuyền đi đánh bắt xa bờ dài ngày, nhiều lúc nghe thông tin có bão, ở nhà lo thắt ruột, ngày đêm trông ngóng thuyền về, vài ba hôm lại tìm đến nhà chủ thuyền ở Mũi Né để nghe ngóng thông tin và liên lạc máy bộ đàm nói chuyện với cha con ổng ở khơi xa...”.
Những chuyến ra khơi đầu năm Bính Thân tuy hiệu quả về sản lượng khai thác gần bờ nhỉnh hơn nhưng thời tiết lại diễn biến bất thường. Biển có lúc hiền hoà nhưng cũng có khi nổi cơn “thịnh nộ” ầm ầm giông tố khiến ngư dân phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Nhưng nhờ có sự đoàn kết, hiệp sức của ngư dân vạn chài nên người đi biển cũng như người ở nhà có phần vững tâm hơn.
Làng chài “chuyển mình” làm du lịch?
Nghề ngư phủ gian nan, vất vả là thế nhưng không một ngư dân làng chài nào có ý định bỏ nghề. Với họ, đi biển không đơn giản là một nghề để mưu sinh mà còn là gìn giữ nghề truyền thống như một thứ “di sản” của cha ông để lại. Vì làm ăn thủ công, nhỏ lẻ nên rất ít người đi biển mà trở nên giàu có.
Cứ nhìn các làng chài ven biển của Bình Thuận, hầu hết các gia đình chỉ kiếm đủ cái ăn, cái mặc; ít gia đình xây được căn nhà chắc chắn để trú ngụ, chống chọi với bão lũ. Nhiều ngôi nhà trong làng còn khá thô sơ, chưa có nhà vệ sinh hiện đại, khép kín nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt khó tránh được ô nhiễm, không hợp vệ sinh.
Ông Nguyễn Văn Dương (61 tuổi, ngư dân làng chài Hàm Tiến) giãi bày: “Bản thân tôi đã hơn 40 năm bám làng, bám biển, đến nay cũng không thể xây dựng nổi căn nhà cấp 4 cho đàng hoàng, cả gia đình với 9 miệng ăn trong căn nhà lợp tôn vách lá ọp ẹp, lúc biển êm căn nhà còn rộng thoáng, lúc biển động các con, cháu không đi biển, nhà cửa trở nên chật chội. Không biết sau này con cháu có gia đình, ngày càng đông rồi cuộc sống sinh hoạt, ăn ở như thế nào?”.
|
Những người vợ ngư phủ đang phân loại cá bán cho các đầu nậu thu mua tại cảng cá La Gi (Bình Thuận) |
Đến bờ biển hiền hoà, thơ mộng của Bình Thuận với những khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp cạnh đó là hình ảnh những làng chài thô sơ, nghèo nàn với những người dân thật thà, chất phác. Với nhiều du khách, làng chài nghèo sẽ là một khám phá thú vị cho hành trình du lịch trải nghiệm nhưng cũng thật ái ngại khi cuộc sống của ngư dân trong các làng chài này có vẻ khác xa “một trời một vực” với khu du lịch biển hào nhoáng, sang trọng được quy hoạch dành cho du khách.
Theo chủ trương, để phát triển bền vững các khu du lịch, tỉnh Bình Thuận cũng đã yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương quản lý chặt chẽ về quy hoạch, giữ cho cảnh quan vùng ven biển còn nguyên vẻ đẹp tự nhiên để tạo “điểm nhấn” thu hút du khách cũng như giữ cho môi trường du lịch không bị ô nhiễm.
Thiết nghĩ nếu như chính quyền địa phương, ngành chức năng có đề án sắp xếp khu dân cư làng chài với đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội, dịch vụ phục vụ sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp của ngư dân mang phong cách truyền thống, phong phú và tạo được bản sắc riêng cho các hình thái du lịch địa phương góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và ngành công nghiệp sạch trong tỉnh.
Với lợi thế là nguồn lao động tại chỗ dồi dào, người dân chăm chỉ, hiền lành, đoàn kết, biết một số nghề thủ công truyền thống cũng như chế biến các món ăn truyền thống, chắc chắn sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch tại chỗ, thu hút được một lượng lớn du khách ưa khám phá, trải nghiệm.
Làm được như vậy, khu dân cư làng chài sẽ mang lại 3 lợi ích thiết thực hơn cho người dân, cho ngành du lịch Bình Thuận và trả lại môi trường xanh, sạch của vùng ven biển với bao thắng cảnh tự nhiên sơn thủy hữu tình.