Cần bảo vệ “linh hồn” Huế

(PLO) - Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, lịch sử và kiến trúc đô thị, sông Hương được xem là con sông di sản, là “linh hồn” của đô thị Huế.
Sông Hương ở phía Nam kinh thành Huế có yếu tố phong thủy quan trọng trong kiến trúc quần thể di tích Cố đô
Sông Hương ở phía Nam kinh thành Huế có yếu tố phong thủy quan trọng trong kiến trúc quần thể di tích Cố đô

Việc quy hoạch để vừa phát triển, khai thác tốt tiềm năng nhưng vẫn bảo tồn được nét Huế qua con sông này đang thực sự là một “bài toán” khó.  

Dự án 6 triệu USD 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký kết khởi động Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm. 
Dự án được tài trợ bởi nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc với tổng kinh phí 6 triệu USD. Việc tiến hành quy hoạch lại hai bên bờ sông Hương sẽ tạo ra điểm nhấn mới cho con sông di sản này. Tuy nhiên, việc quy hoạch phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định nếu không muốn phá vỡ sự hài hòa của sông Hương.

Hiện tại, dọc theo hai bờ sông có khá nhiều công viên khác nhau. Phía bờ bắc là các công viên Thương Bạc, Phú Xuân, Kim Long và Phú Cát; phía bờ Nam là các công viên 3/2, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và Tứ Tượng... 

Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng của sông Hương cũng như đôi bờ sông vẫn chưa đem lại sự hài lòng cho người dân và du khách. Từ thực tế đó, ngày 1/9/2015 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Quyết định số 1706/QĐ-UBND về việc quy hoạch lại hai bờ sông Hương. Thời gian thực hiện dự án là 30 tháng kể từ đầu năm 2015 đến  tháng 6/2017.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch là khu vực dọc sông Hương từ Đồi Vọng Cảnh đến Bao Vinh qua TP Huế với chiều dài 15km. Diện tích khu vực lập quy hoạch là 836ha, bao gồm 313,6ha đất dọc hai bờ sông, 26,4ha đất khu vực cồn Hến, 11ha đất khu vực cồn Dã Viên và 485ha diện tích mặt nước. Khu vực này thuộc địa phận của TP Huế, một phần thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. 

Phần được đưa vào quy hoạch nói trên là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, cũng như nhiều cảnh quan đại diện cho Huế. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc quy hoạch đôi bờ con sông không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của thành phố mà còn tôn lên vẻ đẹp của dòng sông thơ mộng giữa chốn Thần kinh.

Mau chóng hoàn thiện quy hoạch
Được biết, mục tiêu của dự án trên là thiết lập chi tiết hai bờ sông Hương phù hợp với sự phát triển đô thị của Huế đến năm 2030. Cụ thể, khu vực hạ du, khu qua trung tâm TP Huế và vùng thượng du sẽ cải tạo, xây dựng mới các công trình, gắn kết cảnh quan, phát triển các khu du lịch ven sông, đảm bảo thân thiện môi trường.

Ở khu vực thượng nguồn, địa phương sẽ tập trung bảo tồn các khu vực phân bổ di sản văn hóa, nguồn nước; khu vực qua TP Huế, nhất là đoạn kinh thành Huế sẽ liên kết với mảng công viên hai bờ sông hiện có, kiến trúc kinh thành và hạn chế chiều cao các công trình ven sông; mở rộng và phát triển đô thị ở khu vực hạ lưu. 

Phương án quy hoạch phải dựa vào đặc điểm tự nhiên của sông Hương và đô thị Huế làm nền tảng để thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng khu vực. Đến thời điểm này, đã có 6 dự án kiến nghị thí điểm bao gồm: Dự án xây dựng sân khấu biểu diễn ngoài trời ven sông Hương, Dự án xây dựng đài ngắm cảnh sông Hương, Dự án cải thiện công viên ven sông, Dự án áp dụng hệ thống giao thông công cộng phục vụ du lịch và xây dựng cơ sở vật chất đi kèm ở khu vực trung tâm TP Huế...

Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đô thị Huế có nét đặc trưng rất riêng mà nhiều nơi khác không có được, đó là một đô thị di sản và cả đô thị sinh thái, trong đó sông Hương là “linh hồn” của Huế. Việc xây dựng quy hoạch cần phải được thực hiện cẩn trọng.

Theo đó, về cơ bản, sông Hương cần được giữ gìn ở dạng xanh tươi, tự nhiên trong một đô thị càng ngày càng trở nên tấp nập... Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xác định rằng, TP Huế và rộng hơn là cả tỉnh Thừa Thiên Huế được nhiều nơi biết đến bởi dòng sông Hương và các di tích văn hóa, công trình kiến trúc độc đáo, với những con đường, công viên rợp bóng cây xanh… 

Sông Hương không chỉ là “linh hồn” mà còn là trục cảnh quan quan trọng bậc nhất của đô thị Huế, thế nhưng đến nay chưa hoàn thiện bản quy hoạch chi tiết để bảo vệ bền vững và phát huy giá trị có một không hai đối với con sông này. Trong bối cảnh đó, Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do KOICA tài trợ thực sự là một cơ hội lớn cho TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và cần sớm được thực hiện.

Sẵn sàng cử chuyên gia giúp Huế
“Các nhà nghiên cứu văn hóa và kiến trúc khuyến cáo phải giữ gìn, tôn trọng cảnh quan và không gian đôi bờ sông Hương là hoàn toàn xác đáng. Con sông là biểu tượng của Cố đô, tạo nên hình ảnh riêng biệt của xứ Huế nên phải bảo tồn bằng được không gian xanh vốn có của nó và tuyệt đối không bê tông hóa hai bên bờ sông. Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa và di sản, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế cử chuyên gia tư vấn giúp địa phương phản biện khi xây dựng và hiện thực hóa bản quy hoạch này.” - ông Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đọc thêm