Hành trình của khóa tu đã đi tới những điểm tuyệt đẹp “Theo dấu chân Phật hoàng” như Ngọa Vân, Phật hoàng tháp… Du khách sẽ hiểu thêm về quá trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cảm nhận được vẻ đẹp của một vùng núi non, đồng thời là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện mang đậm màu sắc Phật giáo, chiêm nghiệm về cuộc sống, cảm nhận trọn vẹn về đạo và đời.
Ngọa Vân là một phần quan trọng trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Khu di tích có ba đặc điểm độc đáo và khác biệt mà không một nơi nào trên đất nước Việt Nam có được. Đó chính là Phật Hoàng Tháp, Thánh địa nhà Trần và Thánh địa Thiền Phái Trúc Lâm.
Về Phật Hoàng Tháp, có một số nơi quan trọng về kinh tế, văn hóa, chính trị thời nhà Trần được phép thờ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông để lan tỏa năng lượng pháp và tán dương công đức của Ngài. Nhưng chỉ duy nhất ở Ngọa Vân mới được ghi là Phật Hoàng Tháp còn các nơi khác chỉ được ghi dưới tên khác như ở Yên Tử là Huệ Quang Kim Tháp, Chùa Phổ Minh (Nam Định) có Phổ Minh Tháp,…
Phật Hoàng Tháp linh thiêng vì ở đây có Am Ngọa Vân nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đắc đạo và viên tịch. Khu vực Am Ngọa Vân là nơi đã diễn ra lễ Trà Tỳ (lễ hỏa thiêu) nhục thể của ngài và thu được hơn 3.000 viên xá lợi; phần lớn xá lợi được tôn trí ngay tại Phật Hoàng Tháp. Số còn lại được vua Trần Anh Tông và nhị tổ Pháp Loa thỉnh xá lợi đưa về các nơi trọng điểm về kinh tế chính trị văn hóa của nhà Trần thời bấy giờ.
Về Thánh địa nhà Trần, sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần lăng mộ viết: “Bia thần đạo ở An Sinh nói rằng, tổ tiên nhà Trần vốn là người ở Yên Sinh huyện Đông Triều, sau dời đến hương Tức Mặc, phủ ThiênTrường, cho nên các Vua Trần an táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi ở ẩn”. Việc lựa chọn An Sinh là vùng đất thờ tự thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội” của các Vua nhà Trần.
Năm 1237, Vua Trần Thái Tông ban cho anh trai Trần Liễu làm Yên Sinh Vương (An Sinh Vương) và cấp vùng đất ngũ yên (Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang) đời đời sống ở vùng đất này để thờ cúng tổ tiên. Đền An Sinh là nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và 8 vị vua Trần có mộ an táng tại Lăng lớn Yên Sinh.
Có 3 nơi dương trạch: đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), Thái Miếu Trần Triều (Đông Triều – Quảng Ninh). Đền Trần (Nam Định) nằm trong khu vực phủ Thiên Trường nơi các Thái Thượng hoàng sống và làm việc sau khi nhường ngôi cho con. Nơi đây thường tổ chức những ngày cúng vọng như ngày rằm, mùng một, ngày lễ tết, Thái Miếu Trần Triều - Tông miếu hoàng tộc (là Từ đường Vương triều nhà Trần).
Trong 3 nơi âm phần: Nam Định, Thái Bình, Đông Triều (Quảng Ninh) thì Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều có hệ thống lăng mộ lớn nhất Việt Nam (gồm 7 lăng). Tháng 6/1381 triều đình đã cho rước thần vị ở các lăng Nam Định, Thái Bình quy tập về lăng lớn Yên Sinh để tránh sự quấy phá của quân Chiêm Thành cũng như thực hiện việc quy tập lăng các vị tiên đế triều Trần về an vị tại khu lăng lớn Yên Sinh tiện cho việc phụng thờ dòng tộc của các thế hệ sau.
Về Thánh địa Thiền Phái Trúc Lâm, Ngọa Vân là nơi sơ tổ Thiền Phái Trúc Lâm (tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông) tu hành, đắc đạo và viên tịch. Ngài đã chọn lọc và tổng hợp những tinh tuý của các dòng thiền đương đại thời bấy giờ như: Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tì-ni-đa-lưu-chi và pha trộn một chút Tông Lâm Tế để sáng lập ra dòng thiền phái trúc lâm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, với tinh thần hoà quang đồng trần và đạo phật nhập thế. Đó là lí do vì sao hơn 1 nửa dân Đại Việt bấy giờ tin tưởng và đi theo Đạo Phật. Đó là giai đoạn thịnh trị của Đạo Phật cũng như chùa quán được mở khắp nơi trên toàn đất nước để hoàng dương Phật Pháp mang lại sự lợi lạc cho chúng sinh.
Một số hình ảnh về chuyến hành thiền dưới sự dẫn dắt của Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt.