“Bách nhân bách tính” - thế nên trong xã hội hiện đại, bên cạnh các cô “dâu tây” hay những cô con dâu đanh đá và mưu mẹo, vẫn còn những người con dâu thảo hiền. Chính họ đã tìm lại hạnh phúc cho gia đình nhà chồng tưởng đã lìa xa…
Nén nỗi đau phụ bạc…
Đang bụng mang dạ chửa, chị Hoa như suy sụp khi nghe tin anh Hoàng, chồng mình có bồ. Đó là Ly, người yêu cũ của anh Hoàng từ cách đây 5 năm. Họ xa cách nhau bởi Ly đi du học bên Pháp. “Tình cũ không rủ cũng tới”, tái ngộ sau 5 năm, Hoàng và Ly không dứt được nhau. Mặc dù vừa kết hôn được 1 năm, vợ đang mang bầu nhưng Hoàng vẫn nhất quyết bỏ rơi vợ và đến sống với Ly. Để có tiền trang trải cuộc sống với Ly, Hoàng bắt vợ phải đưa 20 triệu đồng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng.
Đau đớn, hụt hẫng, Hoa cố gắng nén chịu giữ gìn sức khỏe cho thai nhi. Mặc dù bị bỏ rơi nhưng Hoa vẫn ở với mẹ chồng. Mẹ chồng Hoa vốn bị đau tê thấp, chân đi khó nhọc. Hàng ngày, Hoa dậy sớm, chuẩn bị bữa ăn sáng cho mẹ chồng rồi mới tất tả đi làm. Buổi trưa lại tranh thủ chạy về nhà nấu bữa trưa và tối đến không quên ngồi xoa chân cho mẹ chồng.
Đi đâu, làm gì chị cũng thưa gửi, xin phép mẹ chồng. Cơ quan có chuyện gì vui chị đều chia sẻ. Có món ăn nào ngon chị cũng nhớ mua về biếu mẹ chồng. Mẹ chồng chị phải đi cấp cứu vì bệnh tê thấp kèm áp huyết cao. Hàng tháng trời chăm sóc mẹ rồi làm việc cơ quan, lại đang bụng mang dạ chửa, sức khỏe chị Hoa suy sụp. Chồng chị mải vui duyên mới không thăm mẹ dù chỉ một lần. Tất cả sự chăm sóc, viện phí đều đè lên đôi vai chị.
Mẹ chồng chị thương con dâu đến trào nước mắt, trách con trai mình bạc tình, nhưng chị không một lời ca thán. Rất nhiều người xui chị không nên ở ngôi nhà đó “chồng bạc tình ở ngôi nhà đó làm gì, chớ dại mà hầu mẹ chồng đau yếu” nhưng chị một hai không nghe bởi chồng chị là con một, chị là dâu con trong nhà, anh đã bỏ đi, nếu chị lại rời xa ngôi nhà ấy thì lấy ai chăm sóc mẹ chồng; rồi những công việc đối nội, đối ngoại bên nhà chồng lấy ai lo?
Về phần anh Hoàng, sau khi trải qua tháng ngày “trăng mật”, Hoàng và Ly bắt đầu có những mâu thuẫn trong cuộc sống. Bắt đầu là việc Ly cấm anh không được về thăm nhà cũ nơi mà có vợ và mẹ ở đó. Ly luôn luôn giám sát Hoàng từng bước và luôn miệng nói xấu vợ và mẹ anh. Sau đó là chuyện một mực Ly không muốn sinh con vì sợ mất dáng và mệt nhọc khi phải nuôi con. Những mâu thuẫn ngày càng căng thẳng khiến Hoàng không khỏi so sánh và nghĩ về người vợ đoan trang, thảo hiền của mình.
Như nhận ra sai lầm của mình, Hoàng đã trở về ngôi nhà mà mình từng dứt áo ra đi. Nghe lời mẹ chồng, chị Hoa đã tha thứ cho Hoàng và tìm lại được hạnh phúc của mình. Bệnh tật của mẹ chồng chị Hoa cũng vì thế mà thuyên giảm. Nụ cười đã ngự trị trong tổ ấm gia đình chị...
“Phúc đức cho tôi vì có con dâu tốt”!
Cũng tần tảo, hiếu nghĩa với bố mẹ chồng như chị Hoa là chị Phạm Thị Suối, nhà ở phường 7, quận 8, TP.Hồ Chí Minh. 23 năm lấy chồng thì 20 năm bị chồng phụ bạc. Hai đứa con đầu lần lượt ra đi khi mới cất tiếng khóc chào đời. Đau khổ chồng chất, người phụ nữ ấy vẫn một mực hiếu nghĩa với bố mẹ chồng.
Ngày nào cũng vậy, cứ 3h là chị Suối thức dậy, bắt đầu cuộc hành trình kiếm sống. Trên chiếc Honda 78 cũ kỹ, chị lao vội đến Chợ Lớn mua trái cây chất đầy lên xe, thồ về chợ Tân Định bán. Hôm nào về sớm cũng là 16h, còn muộn thì đến 18 -19h. Sớm hôm vất vả như thế nhưng chị vẫn chu toàn với người cha chồng 79 tuổi ở nhà. Ông cụ có đầy đủ trai gái, nhưng những lần chị đưa ông đi bệnh viện, ai hỏi thăm ông cũng nói “con gái tôi”.
Lấy chồng song chị Suối không được nhờ vả. Anh không chỉ hành hạ chị về tinh thần, mà còn thường xuyên đánh đập. Ngày sinh cháu thứ ba, một mình chị phải đặt bút ký tên vào giấy mổ, lúc chồng đang theo vợ bé. Anh luôn kiếm cớ hy vọng chị nản lòng bỏ nhà ra đi. Thương bố mẹ già cả, không người trông nom, chị nhẫn nại chịu đựng. Chị tâm sự: “Mình có thể mang đứa nhỏ ra đi làm lại cuộc đời. Nhưng nghĩ đến ba mẹ chồng thật thương, anh chị chồng đã ở riêng cũng khó khăn, mình đi thì ai lo cho ông bà?”.
Dạo này, bố chồng lại đang bệnh phổi, chị Suối phải bỏ chợ về sớm. Ban đêm, ông cụ thường lên cơn khó thở, chị phải thức suốt đêm. Thức ăn, thuốc men một tay chị lo. Nói về cô con dâu, bố chồng chị đã dành những lời khen ngợi: “Nghĩ cũng tội nghiệp, từ hồi làm dâu tới giờ nó vất vả quá, cả đời chẳng đi đâu chơi, chỉ lo tiết kiệm. Vậy mà đi bán về là nó mua thịt bò, thịt heo... để cho tôi ăn. Tôi chửi nó hoài, mua làm gì cho tốn tiền”. Hơn 20 năm, lòng hiếu thảo của người con dâu luôn làm ông cụ xúc động, ông nói: “Phúc đức cho tôi có con dâu như con Suối!”.
... Câu chuyện này hoàn toàn có thực trong cuộc sống hiện đại. Chị Hoa, chị Suối chỉ là những điển hình trong số nhiều tấm gương đối xử tốt của nàng dâu đối với bố mẹ chồng. Hơn ai hết, họ hiểu rằng “gieo nhân nào, gặt quả ấy”, họ sẽ được nếm những trái ngọt chính từ những hành động hiếu thảo của mình. Tổ ấm mà họ xây nên đã góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Thùy Dương