Trầm Bê đề nghị quy định rõ ràng để tránh những người khác vướng lao lý như bị cáo

(PLO) - Bước sang ngày xử thứ 3 vụ đại án Phạm Công Danh và đồng phạm bị truy tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX bước vào vào phần xét hỏi các bị cáo.

Trong buổi sáng, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo trong nhóm Quỹ Lộc Việt và ngân hàng Sacombank.

Đối với các bị cáo trong nhóm Quỹ Lộc Việt nhận ủy thác hơn 900 tỷ từ VNCB đều khai nhận không biết hành vi của mình là phạm tội khi thực hiện các hành vi giúp Phạm Công Danh rút tiền thông qua việc phát hành trái phiếu. Dù theo quy định, tập đoàn Thiên Thanh lúc bấy giờ không được phép phát hành trái phiếu, nhưng vì thấy khoản phí nhận ủy thác cao nên phía Quỹ Lộc Việt đã chấp nhận đứng ra “làm diễn viên” cho Phạm Công Danh. 

Theo đó, phía tập đoàn Thiên Thanh chuyển tiền vào các công ty trực thuộc của Quỹ Lộc Việt số tiền hơn 900 tỷ đồng, ngay sau đó, bằng các thủ thuật để chuyển lại toàn bộ số tiền đó cho phía ông Danh.

Các bị cáo cho rằng, chỉ làm thuê và không tìm hiểu kỹ, không quan tâm tới nguồn tiền có được từ đâu, mà khi lãnh đạo giao xuống thì cứ tiến hành, xem đó là một công việc bình thường trong quá trình quản lý, đầu tư của doanh nghiệp. Thế nhưng khi chủ tọa hỏi vì sao đầu tư mà không xem xét, tìm hiểu cụ thể doanh nghiệp phát hành trái phiếu có được phép hay không, thì các bị cáo im lặng.

Đối với nhóm bị cáo thuộc ngân hàng Sacombank thì khai rất thành khẩn và được nhiều người đánh giá là hết sức thật thà. Bị cáo Trầm Bê cho rằng, không phục bản cáo trạng đã truy tố mình về hành vi cố ý làm trái, bởi theo bị cáo nhận thức thì việc bị cáo làm luật không hề cấm. Bị cáo thừa nhận có quen biết Phạm Công Danh từ nhiều năm trước, khi còn là ở ngân hàng Phương Nam. “Chẳng lẽ bị cáo lại nói dối rằng không quen biết, bàn bạc, thỏa thuận gì ông Danh để chối tội. Làm ăn cho vay cả ngàn tỷ mà nói không quen biết, gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận thì biết gì mà làm ăn…”- bị cáo thật thà.

Ông Trầm Bê lý giải về việc chấp nhận cho phía ông Danh vay 1,8 ngàn tỷ đồng là vì phía ông Danh có khoản tiền bảo lãnh. Khi làm ăn thì làm sao mình thấy thu hồi được nợ, không làm cho mình bị thiệt hại là tốt. Thực tế là Sacombank đã thu hồi được toàn bộ cả gốc và lãi từ VNCB. 

“Nói bị cáo cố ý làm trái thì phải có gì đó tư lợi, chứ đây bị cáo kinh doanh bình thường. Bị cáo Nghĩ việc nhận thức về pháp luật có sự khác nhau. Bị cáo thấy luật không cấm và có lợi cho doanh nghiệp mình thì bị cáo làm. Tuy nhiên nếu chỉ một mình bị cáo bị truy tố thì bị cáo nghĩ rằng mình yếu kém, nhưng đây có nhiều ngân hàng đều nhận thức như vậy thì bị cáo nghĩ luật chưa rõ ràng. Bị cáo mong muốn sau này có điều nào thì nêu cho rõ để người khác không bị như bị cáo…”- Trầm Bê đề nghị. 

Vì sao Phạm Công Danh cũng là chủ tịch ngân hàng mà đi vay tiền Sacombank, bị cáo có uy nghĩ gì? Chủ tọa hỏi. Ông Bê đáp rằng, không cần suy nghĩ vì làm doanh nghiệp luôn phải ưu tiên cho khách hàng, miễn là họ có tài sản đảm bảo. Chủ tịch ngân hàng chỉ không được phép vay tại ngân hàng mình, còn vẫn được phép đi vay ngân hàng khác một cách bình thường. Bị cáo dẫn chứng là hồi còn làm bị cáo vẫn đi vay bình thường.

Tại phần thẩm vấn này, bị cáo Trầm Bê cũng kiến nghị HĐXX xem xét, trả lại căn nhà trên đường Hùng Vương cho chị vợ, vì lúc trước bị cáo khai nhầm nên cơ quan chức năng đã kê biên, sau này lục giấy tờ ra mới biết đó là nhà của chị vợ. 

Tương tự như lãnh đạo của mình, bị cáo Phan Huy Khang - nguyên Tổng giám đốc Sacombank hết sức thành khẩn. Bị cáo cho rằng thấy luật không cấm và có lợi cho ngân hàng thì triển khai thực hiện cho phía đối tác vay. 

Để rõ hơn, HĐXX mời bị cáo Phan Thành Mai- nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng VNCB lên. Theo đó, bị cáo Mai cho rằng vào thời điểm đó ngân hàng Đại Tín (sau này đổi thành ngân hàng Xây dựng-VNCB) lúc đó vô cùng khó khăn nên Phạm Công Danh đã đã ra quyết tâm bằng mọi giá phải cứu vãn được. Sau đó bên VNCB có quan gặp bên Sacombank để xin vay tiền. Bị cáo nghĩ phía Sacombank không có lỗi vì không biết việc sử dụng tiền sau khi giải ngân cho VNCB…

Đọc thêm